Xin ông cho biết tình hình dịch sởi hiện nay diễn biến như thế nào?
Từ đầu năm đến 10/3/2014, tổng số có 880 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Bệnh nhân phân bố rải rác ở 296/577 xã phường, 28/29 quận huyện. Trong số này có 347 trường hợp đã có xét nghiệm dương tính với sởi.
Từ tháng 12/2013 đến nay ghi nhận 357 trường hợp sởi, trong đó tháng 12/2013 có 10 trường hợp. Từ 1/1/2014 đến 10/3/2014 có 347 trường hợp. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 193/577 xã, phường của 28/29 quận huyện. Số mắc chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 64.7%, tập trung nhiều nhất là trẻ dưới 2 tuổi là những trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Trường hợp mắc sởi nhỏ nhất là 1,5 tháng tuổi, lớn tuổi nhất là 57 tuổi
Trong thời gian qua, ngoài dịch sởi, thủy đậu còn xuất hiện nhiều trẻ bị quai bị, nhưng không thấy các cơ quan chức năng cảnh báo về dịch bệnh này, trong báo cáo về dịch bệnh cũng không nhắc đến, vì sao vậy, thưa ông?
Có thể nói đến giờ phút này tình hình dịch sởi đang được kiểm soát, những dịch bệnh chúng tôi không nêu trong báo cáo, không có nghĩa là không xuất hiện, chỉ có điều bệnh đó diễn ra lẻ tẻ, ví dụ như bệnh quai bị, những bệnh này không tạo thành dịch.
Chúng tôi sẽ lưu ý trong việc chỉ đạo công tác tuyên truyền thường xuyên cho nhân dân biết để có cách phòng, chống và phát hiện kịp thời bệnh, tránh những biến chứng xảy ra gây nguy hiểm cho người bệnh
Nguyên nhân của việc trẻ em dưới 5 tuổi, mà nhiều nhất là trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, hoặc tiêm vắc xin chưa đủ mũi là gì, thưa ông?
Theo lịch tiêm chủng, trẻ từ 9 dến 11 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin sởi mũi 1, đến 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại mũi 2. Nếu cháu nào đã tiêm đầy đủ 2 mũi thì có thể yên tâm là sẽ không mắc sởi. Nhưng tất cả các cháu bị mắc sởi, theo xem xét của chúng tôi, một là các cháu mới tiêm được mũi 1 hoặc các cháu chưa được tiêm. Lí do tại sao các cháu chưa được tiêm? Thì ở đây chúng tôi có điều tra và phỏng vấn sâu một số bà mẹ thì chúng tôi thấy rằng:
Thứ nhất là vừa qua trong công tác tiêm chủng có một số phản ứng tiêu cực dẫn đến việc các bà mẹ rất lo ngại nên đã không cho con mình đi tiêm.
Lí do thứ 2 là bé đến thời điểm tiêm chủng thì chẳng may bị sốt hoặc đang mắc 1 bệnh gì đó, vậy nên khi đến tiêm, các thầy thuốc không cho tiêm vì các trường hợp này là chống chỉ định tiêm chủng. Đến hôm sau thì có thể cha mẹ lại không cho cháu đi tiêm nữa, dẫn đến trường hợp bé không được tiêm đủ mũi.
Chính vì vậy vừa qua ngành y tế đang thực hiện các chương trình tuyên truyền, các bà mẹ hãy đưa con mình đi tiêm chủng bởi nếu không tiêm thì các bệnh truyền nhiễm sẽ quay trở lại, nhãn tiền là bệnh sởi vừa qua.
Công tác tiêm chủng trong những năm qua đã giảm một cách đáng kể những dịch bệnh đối với trẻ em.
Với Hà Nội, dịch sởi ở Hà Nội ngày nay chỉ lẻ tẻ, rải rác. Ở những tỉnh miền núi, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ nên khả năng dịch bệnh cho trẻ tăng.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: " Nếu chúng ta làm tốt công tác tiêm chủng trong tháng 3, tháng 4 thì chúng ta có thể kiểm soát được dịch sởi trong tháng 4"
Hàng năm chúng ta vẫn tiêm chủng, tại sao năm nay lại phải tiến hành tiêm vét, thưa ông?
Trước đây, công tác tiêm chủng diễn ra rất tốt, nhưng đợt vừa qua, do có một số phản ứng trong quá trình tiêm chủng dẫn đến nhiều bà mẹ không cho con đi tiêm vắc xin, chính vì điều này mà tỉ lệ tiêm thấp đi, buộc lòng khi có dịch Bộ Y tế phải chỉ định cho tiêm vét. Nhưng việc tiêm thường xuyên chúng ta vẫn phải làm cho tốt.
Hiện nay ở các trung tâm y tế dự phòng xuất hiện tình trạng quá tải, giải pháp nào cho tình trạng này, thưa ông?
Trước kia tiêm chủng người ta gọi là phong trào “phong trào tiêm chủng” “ngày hội tiêm chủng” tức là bà con được vận động là đến tiêm. Nhưng sau một thời gian dài chúng ta thực hiện thì chúng ta thấy rằng cần phải trấn chỉnh lại việc đó. Nên giờ không phải là ngày tiêm chủng nữa mà là tuần tiêm chủng, bởi quy định hiện nay là mỗi một buổi, mỗi bàn tiêm chỉ được nhận 50 cháu để tiêm, để có thời gian kiểm tra sức khỏe các cháu trước khi tiêm và đảm bảo an toàn là trên hết. Cho nên việc quá tải là không thể tránh khỏi, vì thế chúng tôi phải tổ chức tiêm chủng cả ngày.
Trung tâm y tế dự phòng đã tổ chức nhiều phòng tiêm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng.
Hiện chúng ta có song song 2 hình thức tiêm:
Tiêm chủng mở rộng, là tiêm chủng trong chương trình được nhà nước đảm bảo, các cháu tiêm được hoàn toàn miễn phí và nhà nước đảm bảo có đủ vắc xin cho các cháu.
Nhưng hiện nay nhà nước không thể đảm bảo có đủ tất cả mọi loại vắc xin cho nên chỉ đảm bảo vắc xin trong chương trình tiêm chủng, còn các loại vắc xin khác Bộ y tế cho phép tiêm dịch vụ
Ví dụ vắc xin thủy đậu hiện chương trình tiêm chủng chưa có. Việc nhập vào nước ta là theo cơ chế thị trường.
Những trẻ trên 5 tuổi mà tiêm thiếu thì có nên đi tiêm vắc xin phòng sởi hay ko, bởi trong thời gian vừa qua vẫn có những bé lớp 1-2 bị sởi?
Hiện nay, chương trình tiêm chủng của nhà nước dành cho những trẻ dưới 2 tuổi, những bé dưới 2 tuổi nếu chưa tiêm đủ thì được tiêm miễn phí. Còn những trường hợp khác thì phải tiêm dịch vụ. Theo tôi nghĩ nếu tiêm được thì sẽ rất tốt.
Liệu đến tháng mấy có thể chấm dứt được dịch sởi, thủy đậu, thưa ông?
Bệnh thủy đậu theo số liệu chúng tôi thống kê từ các trung tâm, hiện nay không thể nói là có dịch thủy đậu ở Hà Nội, mà chỉ có thể nói là số lượng bệnh nhân tăng nhẹ hơn so với cùng kì; năm 2013 là 119 trường hợp, năm nay là 188 trường hợp.
Về dịch sởi, trước hết phải khẳng định dịch sởi tại Hà Nội chỉ là những điểm rải rác, không thành những khu dịch lớn. Nếu chúng ta làm tốt công tác tiêm chủng trong tháng 3, tháng 4 thì chúng ta có thể kiểm soát được dịch sởi trong tháng 4.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Phạm - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]