1. Nến thơm
Nhà cửa thơm tho, sạch sẽ luôn là mong ước của mọi bà nội trợ. Nhưng một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, những dung dịch tỏa hương trong nhà như nước xịt phòng, tinh dầu hay nến thơm là nguyên nhân chủ yếu cho các bệnh dị ứng đường hô hấp. Trên thực tế, bất cứ loại nước hoa đậm đặc nào cũng có thể trở thành “thủ phạm” của chứng hắt hơi, sổ mũi.
2. Máy hút bụi
Mục đích sử dụng của loại dụng cụ này là hút sạch bụi bặm và lông thú cưng – những thứ có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Nhưng một cái máy cũ, ít khi được vệ sinh sạch sẽ lại làm điều ngược lại: tích trữ những rác thải gây nguy cơ hắt hơi, sổ mũi và phát tán chúng trong không khí. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên thay bộ lọc của máy hút bụi 6 tháng/lần. Khi đã chứa khoảng 3/4 rác trong túi, nên đổ đi ngay để tránh hiện tượng ùn tác rác trong túi chứa, gây nguy cơ mất vệ sinh.
3. Khung cửa sổ gió lạnh
Hít thở trong những luồng gió lạnh buốt là hành động có thể làm bạn lập tức hắt hơi, sổ mũi. Lý do là cơ chế hắt hơi phản xạ của cơ thể được khởi động khi có thứ gì đó gây khó chịu cho hốc mũi hay khi bạn kích thích dây thần kinh chạy qua mũi. Và không khí lạnh, gió lạnh lại chính là thứ có thể gây ra cả 2 tác động trên.
4. Lọ hoa
Tất nhiên, bạn không cần thiết phải loại bỏ mọi hoa tươi trong nhà bởi đó thực sự là những thứ tô điểm cho không gian sống của bạn thêm rạng rỡ. Chỉ có những loài thực vật như cỏ phấn hương mới có nhiều khả năng gây dị ứng nhờ những hạt phấn hoa tí xíu được gió phát tán trong không khí. Trong khi đó, phần lớn hoa thuộc loài thực vật phụ thuộc vào sự thụ phấn nhờ côn trùng.
Tuy nhiên, mùi hương nồng nàn của một số loại hoa cũng có thể gây kích ứng và khiến bạn hắt hơi. Giải pháp chắc chắn là lựa chọn những loại hoa tươi có hương thơm dịu nhẹ hơn.
5. Thú nhồi bông của trẻ nhỏ
Những đồ chơi bằng vải bông mềm được biết nến là “kho lưu trữ” mạt bụi nhà (dust mite). Riêng ở Mỹ, khoảng 20 triệu người thường xuyên bị dị ứng bởi những sinh vật nhỏ xíu này. Vì vậy, nếu bạn chăm chỉ giặt ga gối mà vẫn hay bị hắt hơi, sổ mũi, nên xem xét lại thú nhồi bông của trẻ nhỏ trong nhà. Nếu đó là loại giặt được, nên cho chúng vào máy giặt vài tháng 1 lần. Cho thú nhồi bông vào vỏ gối trước khi mang giặt. Với những loại sợi vải không giặt được, bạn có thể tìm những loại dung dịch làm sạch dạng phun xịt, sau đó, dùng máy sấy khô rồi hút sạch bụi.
6. Căn phòng quá nhiều ánh nắng
Giống như gió lạnh, ánh sáng chói mắt hoàn toàn có thể là thủ phạm khiến bạn hắt hơi. Chắc hẳn bạn cảm thấy ngạc nhiên vì điều này nhưng theo thuật ngữ khoa học, hiện tượng này gọi là hắt hơi phản xạ do ánh sáng.
7. Các bài tập thể dục
Nghe có vẻ khá kỳ lạ nhưng thực tế, có một hội chứng mang tên Viêm mũi do tập luyện thể dục thể thao (EIR). Triệu chứng là sau khi vận động, người tập sẽ có cảm giác ngứa ngáy, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi. Theo một nghiên cứu năm 2006, EIR khá phổ biến và nó ảnh hưởng nhiều hơn tới những người vốn có tiền sử mắc bệnh dị ứng mũi. Thật may là nó không có tác hại gì ghê gớm tới sức khỏe ngoại trừ cảm giác khó chịu, phiền toái. Tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại dung dịch xịt mũi phù hợp là có thể giải quyết vấn đề.
8. Đầu giường bọc vải
Đây là nơi tụ tập ưa thích của các tác nhân gây dị ứng (ve bụi). Hơn thế, còn khá khó làm sạch như những bề mặt cứng khác (gỗ, thủy tinh). Việc hút bụi thường xuyên có thể giúp làm giảm số lượng các loại ve bụi gây dị ứng nhưng lại không thể xử lý được những con mạt sống sâu trong lớp vải bọc. Nếu bạn có tiền sử các bệnh dị ứng, tốt nhất là không nên bọc vải đầu giường.
9. Thảm chùi chân
Nấm mốc rất thích sinh trưởng trên những tấm thảm chùi chân. Và khi các bào tử vi khuẩn phát tán trong không khí, nó sẽ làm cho bạn hắt hơi, sổ mũi. Nghiên cứu cho thấy có hơn 80 loại vi khuẩn mốc gây ra các bệnh dị ứng đường hô hấp. Lời khuyên dành cho bạn là giặt thảm chùi chân 1 tuần/lần. Dùng ít dung dịch tẩy rửa và nước lạnh để đạt hiệu quả diệt khuẩn.
10. Máy tạo ẩm
Sự cân bằng là điều bạn cần lưu ý khi sử dụng máy tạo ẩm. Độ ẩm lý tưởng cho ngôi nhà của bạn là khoảng 40% Nếu không khí khô hơn mức này, nó có thể gây kích ứng niêm mạc mũi và khiến bạn hắt xì, chảy nước mũi. Nhưng nếu độ ẩm quá cao trong không khí lại khiến mạt bụi nhà sinh sôi. Để đạt được độ cân bằng lý tưởng, bạn có thể mua thiết bị đo độ ẩm tại các hiệu thuốc, sau đó, tùy điều kiện để chọn dùng máy tạo ẩm hoặc máy hút ẩm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]