Dưới đây là một số biểu hiện và cách phòng tránh viêm mũi dị ứng:
Biểu hiện dễ nhận thấy của viêm mũi dị ứng
Hắt hơi: triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
Ngứa mũi: Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
Chảy nước mũi: Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi. Người bệnh bị chảy cả 2 bên, nước màu trong suốt, không có mùi.
Tắc ngạt mũi: Do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi. Người bệnh phải thở bằng miệng và ở trẻ em có thể bị cảm giác ngạt thở.
Đau: Ngoài cảm giác đầy trong mũi, ngạt cứng trong mũi, vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não. Một số trường hợp của đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt.
Trong cơn dị ứng mũi thường kèm theo dị ứng cả vùng mặt, ổ mặt nên màng tiếp hợp bị đỏ, chảy nhiều nước mắt, ngứa mắt đi kèm với ngứa mũi và hắt hơi.
Những hệ lụy của viêm mũi dị ứng
Theo một số nghiên cứu, 30% người viêm mũi dị ứng sẽ bị hen suyễn và 80% người bị hen suyễn bị viêm mũi dị ứng cùng lúc. Điều này cho thấy cả hai căn bệnh cần phải được điều trị song song. Nhiều người chỉ điều trị một bệnh và khi hết viêm mũi thì lại bị hen suyễn. Cứ thế, công tác chữa trị trở nên khó khăn và kéo dài.
Phát biểu tại "Hội thảo thách thức trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng" được tổ chức mới đây tại TP HCM, Gíao sư Glenis Kathleen Scadding - Bệnh viện Tai mũi họng Hoàng gia Anh cho biết: các triệu chứng viêm mũi dị ứng gây phiền toái cho 93% bệnh nhân vào ban ngày và 47% bệnh nhân vào ban đêm. Một số bệnh nhân than phiền: tình hình càng nghiêm trọng hơn khi làm việc hằng ngày trong văn phòng máy lạnh vì gần như không thể tập trung vào công việc, cứ vài chục giây lại hắt hơi một lần.
Một số cách phòng tránh viêm mũi dị ứng
Những trường hợp có cơ địa dễ bị dị ứng cần đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng tránh, bạn cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường; cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; hạn chế tối đa việc hút thuốc lá; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Mọi người cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.
Đối với việc dùng thuốc, thuốc hiện nay chia thành 2 nhóm là thuốc dùng tại chỗ (nhỏ mũi, xịt mũi) và thuốc uống. Thuốc xịt có tác dụng thông mũi và giảm triệu chứng nhanh nhưng không được dùng kéo dài và dễ gây tác dụng phụ. Về lâu dài, phương pháp này không nhiều hiệu quả trong điều trị dứt điểm.
Điều trị bằng các loại thuốc có chất antihistamine thế hệ 2 Histamine - một trong những thủ phạm chính gây các triệu chứng. Các loại thuốc antihistamines như Telfast bất lực hóa tác dụng của chất histamine nên làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi. Hiện nay, các loại thuốc chữa viên mũi dị ứng đã được bán rộng rãi trên thị trường dưới dạng thuốc không kê toa, mang lại sự tiện lợi cho người mua, bệnh nhân có thể chủ động trong việc chữa trị và phòng tránh căn bệnh phiền toái này.
Theo Ngọc Bích - vnexpress.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]