Từ 1/6, xử lí xe máy điện không có biển số
Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2014 về đăng ký xe. Thông tư 15 cũng chỉ rõ xe máy điện khi lưu hành cũng phải đăng ký biển kiểm soát (BKS).
Để thực hiện đăng ký xe máy điện, người dân phải đến công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đăng ký xe máy điện, người dân phải mang theo Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu được phát tại nơi đăng ký xe hoặc in từ Website: csgt.vn); Chứng minh nhân dân với cá nhân; Chứng từ nguồn gốc của xe, gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); hóa đơn bán xe.
Cũng theo quy định tại Thông tư 15, với những xe máy điện lưu hành trước ngày 1/7/2009, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chuyển nhượng vẫn có thể đăng ký biển số. Với những trường hợp này, chủ xe cần có cam kết về nguồn gốc hợp pháp của chiếc xe và có chứng nhận của chính quyền địa phương thì xe đó được giải quyết, đăng ký và cấp biển số xe.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện trên cả nước có tới hơn 1 triệu xe điện hai bánh, các loại xe này thường nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Được biết, trường hợp xe máy điện khi tham gia giao thông mà không có đăng ký BKS thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tương đương mức tiền xử phạt của các loại mô tô khác. Thông tư này có hiệu lực từ 1/6/2014.
Do đó, để được đăng ký xe theo quy định của Bộ Công an, khi mua xe người dân cần yêu cầu người bán xe cung cấp đầy đủ các loại chứng từ; gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); Hóa đơn bán xe.
Xe máy điện thuộc phương tiện giao thông cơ giới được quy định tại Điều 3 khoản 18 Luật Giao thông đường bộ. Phương tiện này khác xe đạp điện là không có pê-đan (giò đạp). Do vậy, khi hết điện thì không thể đạp pê-đan cho xe chạy như xe đạp điện.
Nhiều người dân vẫn… ngơ ngác với quy định
Tại Hà Nội, quan sát trên các tuyến đường nội thành ngày 3/6, 2 ngày sau khi áp dụng thông tư 15 về việc xe máy điện tham gia giao thông mà không có đăng ký biển kiểm soát sẽ bị lập biên bản xử lý như với các trường hợp đi xe mô tô, nhiều xe máy điện không biển kiểm soát thản nhiên đi trên đường như chưa hề có Thông tư 15 của Bộ Công an.
Chị Thiệp (Cầu Giấy, HN) cho biết: Tôi có nghe gì đến cái quy định này đâu. Mà chiếc xe máy điện này tôi sử dụng đã hơn 2 năm, mọi giấy tờ giờ không biết để đâu. Giờ bắt đem đi đăng kí thì biết đâu mà lần…”.
Anh Hải (Kim Mã, HN) phàn nàn: “Khi mua xe máy điện, chúng tôi cứ nghĩ nó như cái xe đạp bình thường nên không lấy giấy tờ, hóa đơn. Giờ nhà nước quy định thế này đúng là làm khó người dân quá. Nhà tôi mua những 2 cái cho 2 con đi học, cả 2 cái đều không để ý đến việc lấy giấy tờ, hóa đơn. Giờ có ra cửa hàng thì người ta chắc gì đã nhớ mình là ai mà cấp hóa đơn hay giấy tờ. Chả nhẽ giờ lại phải “đắp chiếu” cả 2 cái xe này”.
Nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, đối với những chính sách pháp luật tác động và ảnh hưởng đến nhiều người như vậy, cơ quan chức năng lẽ ra nên tuyên truyền rộng rãi hơn, sớm hơn để mọi người dân được biết. Do vậy, các cơ quan ban ngành có liên quan cần cho người dân một khoảng thời gian tiếp tục hoàn thiện thủ tục làm đăng ký biển số đối với xe máy điện, tránh việc họ bị áp dụng ngay quy định mà bản thân họ chưa hiểu mình bị phạt vì lý do gì.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]