Honda Việt Nam tiếp tục gây chấn động, khi giảm giá mẫu CR-V 2.0L thêm 110 triệu đồng nữa, xuống còn 788 triệu đồng. Không còn bám đuổi đối thủ cạnh tranh Mazda CX-5, CR-V đã vượt lên dẫn đầu trong cuộc đua đại hạ giá. Mazda CX-5 vội giảm thêm cho các phiên bản từ 20-35 triệu đồng. Nissan cũng lao theo giảm giá X-trail trên 40 triệu đồng nữa. GM Việt Nam điều chỉnh giảm một loạt mẫu xe từ 10-80 triệu đồng. Không có chuyện giá xe đã chạm đáy nữa mà “xuyên thủng đáy” luôn.
Đầu tháng 11/2017, Volkswagen Việt Nam tiếp tục giảm giá chiếc SUV Touareg thêm 130 triệu đồng, khiến mẫu xe này có mức giảm giá chung cả năm lên tới 390 triệu đồng. Một loạt các mẫu xe khác cũng giảm giá từ 50-100 triệu đồng.
Tới tháng 12 thì nhiều mẫu xe giảm sập sàn. Một số mẫu đã công bố giá giảm từ 100-210 triệu đồng để nhanh chóng đẩy hết hàng tồn kho, đón năm mới 2018. Nổi lên nhất là mẫu pick-up D-Max của Isuzu Việt Nam. Bản D-Max 2 cầu số sàn, sản xuất năm 2016 có giá bán 710 triệu đồng, được ưu đãi 210 triệu đồng, còn 500 triệu đồng. Bản một cầu số sàn sản xuất 2016, có giá 660 triệu đồng, được ưu đãi giảm 175 triệu đồng, còn 485 triệu đồng.
Trong khi đó, mẫu X-Trail của Nissan Việt Nam, được các đại lý tại Hà Nội rao bán bản 2.5 SV 4WD đời 2016, với giá chỉ còn 950 triệu đồng, giảm 163 triệu đồng so với giá niêm yết.
Khách hàng được trải qua hết mọi cung bậc của cảm xúc. Nhiều người mua xe đang cảm thấy sung sướng, khi mua rẻ hơn những người trước tới 100 triệu đồng, bỗng một sáng cuối năm, tỉnh dậy thấy mất toi 100 triệu đồng khi mẫu xe này tiếp tục giảm nữa, tiếc đứt ruột và chỉ còn biết trách mình đã quá vội vàng.
Chơi liên khúc cả năm
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11/2017 giảm 10%, so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xe ô tô du lịch giảm 12%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng giảm 15%.
Ước tính của các DN cho thấy, cả năm 2017, doanh số bán ô tô sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2016. Điều này khác xa so với dự báo hồi đầu năm, thị trường ô tô 2017 tăng trưởng 10%. Mặc dù nhận thấy nhu cầu về ô tô sẽ giảm, do người tiêu dùng chờ đợi tới 2018 mới mua xe, thì các DN cũng không thể hình dung ra mức sụt giảm lại mạnh như vậy.
Chính vì nhu cầu giảm mạnh so với tính toán ban đầu, nên số lượng xe bị tồn kho lớn. Những DN có số lượng xe tồn kho lớn, muốn giải phóng nhanh, nhưng tiêu thụ rất chậm. Vì vậy, phải mạnh tay hạ giá để bán ra.
Tuy nhiên, chính việc giảm giá liên tục lại gây ra tâm lý chờ đợi, người tiêu dùng càng không vội mua xe mà quyết nán lại chờ giảm thêm, vì vậy doanh số bán không hề tăng. Để bán được xe, DN lại càng phải giảm giá, mạnh hơn, nhất là những mẫu xe được sản xuất lắp ráp hay nhập khẩu từ năm 2016 về trước. Đến những tháng cuối năm, thực sự là phải bán tháo, vì càng để lâu xe càng mất giá và giá giảm sập sàn.
Các DN ô tô cho biết, do cùng đua giảm giá, nên thua lỗ, nhất là với các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ thị trường ngoài ASEAN, do thuế suất thuế nhập khẩu vẫn cao.
Không ít DN kinh doanh bán lẻ ô tô phải than trời vì thua lỗ. Càng về gần cuối năm tiêu thụ xe càng khó khăn, trong khi giá đã giảm mạnh, thậm chí thấp hơn cả giá nhập vẫn không tiêu hết hàng.
“Bán hàng không màng đến giá” là chiêu kinh doanh thường được các DN điện máy triển khai dịp cuối năm, nay lan sang cả ô tô. Nhiều mẫu xe thi nhau “đánh sập giá sàn” khiến thị trường ô tô có mặt bằng giá thấp chưa từng thấy. Các số liệu thống kê cho thấy, hầu hết các mẫu ô tô đã giảm giá từ 10-30% trong năm 2017.
Nhu cầu giảm, hàng tồn còn nhiều, nên cứ kiếm được cớ là tưng bừng khuyến mãi. Người tiêu dùng thì chờ đợi sang 2018 mới mua xe, chiều theo, các DN đành phải “chơi liên khúc” suốt cả năm.