1. Honda FCX Clarity
Nhắc tới nhiên liệu hydro, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới chiếc Toyota Mirai mới ra mắt. Tuy nhiên, Honda FCX Clarity mới là chiếc ô tô chạy nhiên liệu hydro đầu tiên xuất hiện. Điểm đặc biệt là mẫu xe này chỉ được Honda phân phối tại Nam California, Mỹ.
Được sản xuất trong giai đoạn 2008 - 2014, Honda FCX Clarity sớm kết thúc vòng đời vì những trạm bơm nhiên liệu hydro chưa thực sự sẵn sàng ở mọi nơi như trạm bơm xăng, khiến cho việc bán ra mẫu xe này, thực tế, mang tính chất "thử nghiệm" nhiều hơn là kinh doanh với Honda.
2. Aston Martin Lagonda
Mặc dù là một mẫu xe siêu sang trọng và mạnh mẽ vào thời đó nhưng mẫu xe này cũng nhận được nhiều lời bàn cãi về ngoại hình vào thời đó. Thiết kế sắc nhọn, góc cạnh của Lagonda đi ngược lại phong cách thiết kế tròn, mềm mại của đại bộ phận xe hơi thời đó.
Và dù đẹp hay xấu thì bảng điều khiển điện tử cảm ứng của Lagonda cũng được coi là một thiết kế tương lai vào năm 1976. Chi tiết này cũng là một phần rất... dở trên mẫu siêu xe Anh. Cảm ứng không nhạy, độ sáng quá kém khiến cho việc tương tác với xe thực sự rất vất vả.
3. Honda Prelude
Nhắc tới công nghệ dành cho xe hiệu suất cao có lẽ những fan hâm mộ xe hơi sẽ mau chóng nghĩ tới Porsche hay Ferrari chứ không phải là Honda. Tuy nhiên, Honda Prelude 1978 lại là một mẫu xe tiên tiến trước thời đại với hệ thống dẫn động 4 bánh.
Mẫu xe sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh này mang nhiều "hơi thở" thiết kế của Acura NSX và giúp Honda có thể tự hào trước những hãng xe danh tiếng như Porsche trong suốt 25 năm.
4. Oldsmobile Jetfire
Ngoài cái tên khá kỳ lạ, chiếc xe Mỹ này (cùng với Chevy Corvair Monza) là mẫu xe đầu tiên được sản xuất hàng loạt với hệ thống tăng áp vào 1962. Mẫu xe của Chevy chỉ được trang bị động cơ tăng áp 6 xi-lanh thẳng hàng, trong khi mẫu Jetfire được trang bị động cơ 3.5 V8 tăng áp với 215 mã lực.
5. General Motors EV1
Tương tự như Toyota Mirai, khi nhắc tới xe điện, người ta sẽ nghĩ tới Tesla chứ không phải General Motors, hãng xe Mỹ với nhiều mẫu xe cơ bắp. Tuy nhiên, GM EV1 mới là mẫu xe điện đầu tiên được sản xuất hàng loạt.
Những con số có thể nói là ấn tượng về EV1, một mẫu xe ra đời năm 1996, đó là sức mạnh 137 mã lực và khả năng di chuyển gần 160 km cho mỗi lần sạc. Người dùng cũng không thể sở hữu General Motors EV1 mà chỉ có thể thuê mẫu xe này.
6. Nissan Pathfinder (thế hệ thứ 2)
Thế hệ thứ 2 của Nissan Pathfinder đã tiên phong cho "phong trào" xây dựng những mẫu xe gầm cao trên khung gầm nguyên khối - những chiếc crossover sau này. Từ bỏ khung gầm rời (body-on-frame) vào năm 1995, Pathfinder có thể coi là một mẫu xe "tương lai" khi mãi tới năm 2008 từ crossover mới bắt đầu được sử dụng.
7. Honda Insight
Được giới thiệu vào năm 2000, Honda Insight là mẫu xe hybrid đầu tiên được sản xuất hàng loạt. Dù chưa bao giờ đạt được sự nổi tiếng như "người hàng xóm" Toyota Prius, Insight vẫn xứng đáng được vinh danh là mẫu xe tiên phong cho trào lưu hybrid.
Thiết kế kỳ lạ của Honda Insight thế hệ đầu tiên cũng là một đặc điểm "tương lai" của mẫu xe này với ý nghĩa làm tối giảm lực ma sát khi xe chạy. Tuy nhiên, sau này Honda đã loại bỏ thiết kế này vào năm 2009.
8. Citroen DS21
Phanh đĩa có lẽ đã được coi là một phần của chiếc ô tô hoàn chỉnh từ lâu nhưng vào những năm 1955, phanh đĩa trên bánh trước của chiếc Citroen DS21 được coi là một trang bị thời thượng và tiên phong.
Hãng xe Pháp thậm chí còn "chơi sang" tới nỗi trang bị cho DS21 hệ thống treo khí nén có khả năng tự động nâng hạ gầm để mang lại cảm giác "lướt thảm thần" cho người lái xe. Hệ thống này hiện vẫn còn được sử dụng trên Rolls Royce, Maserati và Citroen.
9. Lamborghini Miura
Nhắc tới Miura, cho tới bây giờ người mê xe sẽ vẫn còn phải trầm trồ về vẻ ngoài đặc biệt, lạ mắt cũng như mức giá "cắt cổ" của chiếc siêu xe. Tuy nhiên, điều làm cho Miura xứng danh chiếc xe "tương lai" đó là động cơ đặt giữa.
Khác với truyền thống của những mẫu xe hiệu suất cao sản xuất vào những năm 1966 sử dụng động cơ đặt sau, Lamborghini Miura là chiếc xe sản xuất hàng loạt đầu tiên có động cơ đặt giữa.
10. Stout Scarab
Nhắc tới cái tên Stout thậm chí nhiều người còn không biết đây là một hãng xe hơi, tuy nhiên, Stout Scarab là mẫu xe đầu tiên mang tới cho người dùng khái niệm minivan. Không chỉ vậy, đây cũng là mẫu xe đầu tiên trên thế giới sử dụng vỏ xe làm từ sợi thủy tinh và có hệ thống treo khí nén.
Stout Scarab rõ ràng nhìn đẹp mắt hơn nhiều so với hầu hết các mẫu minivan "thô kệch" hiện tại và hệ thống treo khí nén có lẽ còn là trang bị xa xỉ với nhiều mẫu xe hơi ra đời năm 2016. Stout Scarab được sản xuất vào năm 1930.
11. Porsche 959
Khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1986, Porsche 959 được ghi nhận là một trong những mẫu xe nhanh nhất thế giới được sử dụng ngoài đường phố công cộng. Tốc độ tối đa của mẫu xe thể thao này là 314 km/h.
Porsche 959 cũng được ghi nhận là chiếc xe sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ. Chỉ có 337 chiếc được sản xuất với hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian phức tạp (sau này đã được lấy làm tiêu chuẩn cho tất cả các mẫu xe hiệu suất cao), hệ thống treo khí nén và là mẫu xe đầu tiên trên thế giới có hệ thống kiểm soát áp suất lốp điện tử.
Bên cạnh chiếc xe nổi tiếng nhất nhì của Ferrari, mẫu Testarossa, Porsche 959 cũng là một trong những chiếc xe hiếm hoi trên thế giới có lực nâng bị triệt tiêu hoàn toàn khi vận hành.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]