Mẹ thân yêu của con!
Hôm nay đi làm về, vừa mở cổng dắt xe vào nhà thì bé Nấm chạy ra, ôm chân con âu yếm nói “Con chúc mừng mẹ ngày 8/3...” Nói rồi bé chìa ra một bức tranh vẽ hoa tô màu, tuy nét tô còn vụng về, nhưng ánh mắt chờ mong, háo hức của bé làm con thấy rất cảm động, rất ấm lòng. Chính giây phút ấy, con chợt nhận ra rằng, con quá vô tâm. Bé Nấm tuy chỉ mới 3 tuổi nhưng đã biết nói câu chúc mừng người mẹ của bé là con nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Còn con, 30 năm làm con của mẹ, chưa một ngày 8/3 nào con nói ra được một câu chúc mừng với mẹ nhân ngày của phụ nữ toàn thế giới này, cũng chưa bao giờ mua được món quà nào tặng mẹ.
Mẹ về làm dâu nhà bố đúng những năm đói, nhà bố nghèo, mẹ thì là con cán bộ nên chưa biết ăn cơm độn là gì. Về làm vợ bố, mẹ trở thành chị của 1 đàn em lóc nhóc, bát cơm độn chưa kịt ăn miếng nào thì nồi cơm đã “thủng đáy”.
Khi có bầu con, mẹ ốm nghén người gầy rộc đi, nhưng không được nằm nhà nghỉ buổi nào vì bà nội khó tính, bà bảo mẹ “Ốm nghén thì đàn bà nào chả phải bị, có phải sắp chết đâu mà đòi nghỉ ngơi”. Bố là bộ đội, đóng quân ở xa nhà, mỗi lần về cố giấu bà mua cho mẹ chục trứng để tẩm bổ nhưng lần nào bà cũng nguýt “ăn lắm vào rồi không đẻ được”, miếng trứng mẹ đang nhai trong miệng lúng búng muốn nghẹn.
Sinh con ra, nhà nội không có ai phụ giúp trông con, vậy là ngày mưa cũng như ngày nắng, mẹ phải đi bộ 5-6 km để đem con vào gửi nhà ông bà ngoại. Ngày nắng còn đỡ, có hôm trời mưa bão, mẹ vừa ôm con đi vừa khóc. Ban ngày mẹ làm cán bộ nhà nước, buổi chiều về lại phải tranh thủ đi làm đồng để có gạo nuôi cả nhà. Đôi vai gầy của một cô tiểu thư quen được chiều chuộng, yêu thương giờ oằn nặng việc gia đình.
Con được 5 tuổi thì mẹ sinh em trai nữa. Sự vất vả của mẹ lại tăng lên gấp đôi. Em được 1 tuổi thì bố về mất sức do vết thương ở lưng do bọn Trung Quốc gây ra. Bố về, học người ta đi buôn kiếm tiền phụ mẹ, nhưng bản tính của bố hiền lành, thật thà, dễ tin người nên bị bạn cùng buôn lừa hết cả vốn lần lãi. Tiền mẹ vay cho bố đi buôn không có ngay để trả, cả nàh chìm trong nợ nần, ngày nào cũng có người đến cồng réo đòi tiền. Bố chán trường bỏ vào miền Nam, để mẹ ở nhà một nách 2 con cùng món nợ không hề nhỏ.
Trong nhà có vật dụng gì là chủ nợ vào siết nợ hết, ngay cả con lợn mẹ nuôi sắp đến ngày xuất chuồng cũng bị họ tịch thu.
Mẹ đành đưa 2 chị em con ra ở nhà tập thể của cơ quan để mẹ có thêm thời gian cấy thêm gần mẫu ruộng. Một mình mẹ làm gần 2 mẫu ruộng, con còn nhớ, có những đêm 2 chị em nằm ngủ đến gần sáng vẫn nghe thấy tiến đập lúa của mẹ (vì hồi đó chưa có máy tuốt lúa như bây giờ), rồi những đêm ru em ngủ xong mẹ dặn con ở nhà trông em ngủ, mẹ tranh thủ ra đồng cấy lúa.
Mẹ làm ngày làm đêm để trả nợ, và có tiền nuôi 2 chị em con.
Tụi con lớn dần theo sự vất vả nhọc nhằn của mẹ. Mẹ nuôi hai chị em con ăn học thành tài, xây nhà khang trang để tụi con được “bằng bạn bằng bè”, tất cả những thành quả đó đều nhờ sự chắt chiu của mẹ.
Vậy mà 30 năm sau ngày mẹ sinh ra con, từ khi con biết suy nghĩ, chưa bao giờ con gái mẹ nhớ đến mẹ vào ngày 8/3, 20/10 hay sinh nhật mẹ.
Vào những ngày đó, con thản nhiên xin tiền mẹ để mua quà tặng các cô, hì hụi làm những tấm thiệp nhỏ tặng bạn. Nhưng chưa khi nào nhớ đến sự tồn tại của mẹ, nhớ rằng mình cũng có một người phụ nữ cần phải quan tâm.
Mẹ cứ lầm lũi, âm thầm nâng đỡ cuộc đời chị em con mà chưa bao giờ nghĩ đến bản thân. Số quần áo mẹ có ít ỏi đến tội nghiệp, nhiều lần con kêu ca thì mẹ chỉ cười bảo “Nhiều quần áo mẹ cũng ko mặc được, 2 bộ là đủ để thay đổi những ngày đi làm, ở nhà cũng chỉ cần 2 bộ”.
Chiếc xe đạp mẹ đang đi cũng gắn bó với mẹ cả mấy chục năm trời, tiếng kít kít theo từng vòng đạp của mẹ. Mấy bố con bàn nhau mua cho mẹ chiếc xe mới, mẹ cũng gạt đi “Mẹ đi xe này quen rồi, đổi xe khác rồi mẹ không quen là mẹ “vứt xó” đấy”.
Ngày 8/3 với mẹ của con chẳng có gì khác ngày thường, không lời chúc, không có hành động nào gọi là động viên mẹ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.
Con vô tâm quá mẹ nhỉ!
Người ta bảo “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, có gia đình, có con rồi, con mới hiểu tấm lòng bao dung, yêu thương của mẹ dành cho con. Và hôm nay, nhờ bé Nấm mà con thức tỉnh được mình, nhận ra rằng mình đã quá thờ ơ với mẹ- người phụ nữ đáng trân trọng nhất trong cuộc đời của con.
Con đã từng đọc ở đâu đó 1 câu rằng “Hãy tỏ lòng biết ơn và tình yêu của bạn với người thân khi còn có thể, đừng đến khi họ rời xa rồi bạn phải hối tiếc vì chưa kịp cho họ biết, bạn yêu họ biết nhường nào”.
May quá, con còn “thức tỉnh” kịp thời khi con còn có mẹ.
8/3 này, dù trời có mưa to gió lớn, và biết chắc mẹ sẽ càm ràm “mưa thế này cũng vác xác về làm gì?”, nhưng con sẽ nhất quyết về với mẹ, chỉ để nói với mẹ rằng “Con chúc mừng mẹ nhân ngày 8/3, con yêu mẹ rất nhiều!”.
Theo Ngọc Anh - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]