Con trai tôi mới 4 tuổi nhưng cháu có ý thức rất rõ về trách nhiệm những việc không hay mình gây ra. Có lần cháu ngồi chơi với mẹ tỉ mẩn thế nào cầm kéo xẻo mất của mẹ mấy dúm tóc. Cu cậu hoàn toàn không biết mình đang "huỷ hoại sắc đẹp" của mẹ cho đến khi mẹ phát hiện ra.
Tối về vợ tôi chỉ kể lại sự việc với tôi bằng giọng rất bình thường không có ý la mắng gì. Thế mà cụ cậu ngồi hóng, từ ánh mắt đến khuôn mặt đều toát lên vẻ hối lỗi ăn năn, sau đó miệng mếu xệch suýt khóc. Biết tính con trai hay "cả nghĩ", cả hai vợ chồng vội vàng động viên và đánh trống lảng chuyện khác. Cháu không nói ra, nhưng toàn bộ ngôn ngữ cử chỉ đã nói lên rất thành khẩn rằng cháu muốn xin lỗi.
Cứ như vậy, bất cứ lúc nào phạm lỗi (dù cố tình hay hữu ý), khi được người lớn nhắc nhở, cháu đều thể hiện thái độ hối lỗi rất thành khẩn. Đối với tôi, luôn có một cảm giác yêu thương dâng trào khi chứng kiến khuôn mặt biểu cảm rất khó diễn tả hết bằng lời này của con trai mình. Tôi mong rằng lớn lên cháu sẽ duy trì được thái độ đáng yêu này. Điều này sẽ giúp con trai tôi trở thành một người tốt và biết hoàn thiện bản thân.
Khá nhiều người lớn không có thái độ này. Thang máy chưa mở, người trong chưa ra người ngoài đã đứng chắn cửa và xộc vào ngay. Có lần bị ngay một ông đứng chắn ngay lối ra định chen vào. Bực quá tôi cứ đứng lỳ bên trong, không bước ra, chẳng nói chẳng rằng chờ cho đến khi ông ta phải tránh ra mới thôi.
Khu làm thủ tục lên máy bay hạng thương gia của một hãng hàng không, ai xếp hàng mặc kệ, không hiếm người cứ xộc lên chen ngang cho nó oách là xách. VIP mà. Có ai đấy nhắc nhở thì sao, nhẹ thì lườm nguýt, nặng thì vặc lại, cãi vung lên.
Nói lời xin lỗi? "Xin lỗi", từ này không có trong từ điển của họ, làm sao họ phát âm được. Một số người có lẽ suốt cuộc đời chắc cũng chưa bao giờ tự nhận lỗi và thốt ra được câu "Tôi xin lỗi". Tất nhiên, sự hối lỗi không phải khi nào cũng phải nói thành lời. Có nhiều người sau khi làm điều không phải, họ có nhiều cách để thể hiện sự hối lỗi với những người xung quanh.
Thất vọng nhất là sự bảo thủ, thiếu cởi mở chân thành và cái tôi quá lớn. Đáng sợ nhất là sự vô cảm trước những điều sai trái. Con người sinh ra là để phạm sai lầm. Nếu ai đó cho rằng họ luôn luôn đúng thì xin gọi họ là thánh sống. Dấu hiệu văn minh không phải là phạm lỗi gì mà thái độ đối với lỗi mình gây ra. Có một số người tỏ ra khá "vô cảm" với những hành vi và việc làm mà họ thừa biết là không đúng chuẩn mực.
Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Vì tôi có cậu con trai bé nhỏ luôn biết "nói sorry" bằng ngôn ngữ nét mặt rất xúc cảm và đáng yêu. Đối với cậu bé, "sorry is not a hard word" - lời xin lỗi không hề khó nói (không giống như lời bài hát "Sorry seems to be the hardest word" của Elton John).
Tiếp Thị Tiêu Dùng ( Sưu tầm )
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]