Tâm sự về mẹ chồng mình, chị Thùy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, bà thuộc mẫu người “siêu tiết kiệm”. Cũng chính vì thế mà cô con dâu “thoáng tính, chi tiêu phong cách hiện đại” là chị bao phen phải khóc dở mếu dở.
Chị nói: “Hồi mình về nhà chồng ra mắt, bữa cơm chỉ có món thịt rim mặn là món chính. Mình hơi tủi thân, nghĩ rằng 2 bác không ưng mình, vì dù sao mình cũng là khách mà. Nhưng thấy ông bà vẫn trò chuyện vui vẻ, sau nghe chồng bảo mẹ anh vốn tính tiết kiệm, lại chẳng coi mình là người ngoài, thế nên mình cũng không suy nghĩ nữa”.
Chị bảo, chị nghĩ đơn giản rằng các cụ là người thế hệ trước thường có tính tiết kiệm vì mẹ đẻ chị ở nhà cũng thế. Nhưng giá kể mẹ chồng chị tiết kiệm ở mức độ vừa phải và chỉ trong phạm vi túi tiền của bà thì còn đỡ. Đằng này, bà còn quản lí sát sao luôn cả túi tiền của chị nữa mới khiến chị búc xúc.
“Vợ chồng mình góp tiền sinh hoạt phí hàng tháng cho mẹ chồng, nhờ mẹ chợ búa cơm nước giúp, vì bọn mình đi làm cả ngày rồi. Thế nhưng mẹ chồng mình quen nếp tiết kiệm rồi và món thịt rim mặn là món kinh điển ở nhà chồng mình bao năm nay. Đi làm cả ngày về mệt lại thấy thịt rim toàn tập... 12/14 bữa/ tuần - thực sự khiến mình chán ngán không thốt nên lời. Mà tiền bọn mình đưa có keo kiệt hay ít ỏi gì đâu, thậm chí còn rộng tay là đằng khác.
Mình chỉ chờ đến cuối tuần để giành đi chợ, mua thêm đồ tươi sống và lạ miệng về cải thiện cho cả nhà. Tưởng thế là ổn, ai ngờ bà thấy mình tay xách nách mang về thì ‘nhảy dựng’ lên kêu ca, phàn nàn rằng mình ăn thủng nồi trôi rế. Rồi bà bảo tỏ thái độ phản kháng bằng cách không động đũa vào những món ngon, đắt tiền mình mua về. Bữa cơm như thế thì thử hỏi ai mà ăn ngon miệng được, cho dù có là ăn sơn hào hải vị?” - chị ấm ức tâm sự.
Chị kể thêm về người mẹ chồng “đặc biệt” của mình: “Ăn uống trong nhà thì như thế, ngoài ra bà cũng can thiệp tuyệt đối vào việc tiêu pha tiền nong của mình. Mình xin nhấn mạnh là tiền này mình tự tay làm ra, chứ không phải của chồng mình, lại càng không phải của ông bà.
Mình mua cái gì về cho gia đình dùng, bà cũng chối đây đẩy bảo không cần trong khi đồ ở nhà thì cũ và xập xệ lắm rồi. Còn mua cái gì cho riêng mình nữa thì thôi rồi, bà cứ gọi là săm soi tận răng luôn. Mình mặc cái áo mới là bà soi lên soi xuống, than ngắn, thở dài rồi cằn nhằn cả ngày. Nội dung thì toàn là con dâu tiêu hoang, thích ăn trắng mặc trơn, không xứng đáng là người phụ nữ của gia đình!
Chính vì mỗi lần tiêu tiền của mình có thể gây ra những ‘hệ lụy’ ghê gớm như thế nên mình bị ám ảnh và áp lực kinh khủng trong việc rút tiền chi tiêu - cho dù là ở ví mình. Mỗi khi muốn mua cái gì, mình đều phải nhìn trước ngó sau, cân đo đong đếm xem liệu về mẹ chồng mình có nói gì không, hay làm sao để giấu không cho bà biết. Nói không ngoa chứ đúng kiểu như mình đang tiêu tiền ăn cắp vậy!”.
Chính vì lẽ đó, chị Thùy đã phải nghĩ chiêu ứng phó với mẹ chồng để được yên ổn. “Mua đồ về, bà hỏi thì mình toàn ‘khai man’ giá, giảm đi một nửa. Họa hoằn lắm mới dám nói là mình mua, còn phần lớn đồ mới mình đều ‘chém gió’ là có người cho/tặng. Khi mua đồ đặc sản gì về ăn, mình toàn nói dối là có người cho/biếu. Đấy, tiền trong túi mình mà chả dám tiêu, lúc tiêu thì cứ phải lo ngay ngáy bị người khác trách móc, mắng mỏ. Cái cảm giác đó thật là khó chịu!” - chị thở dài giãi bày.
“Nhưng cũng may, sau 3 năm ‘chịu trận’ như thế, cuối cùng mình đã được ra riêng. Từ đó mình toàn quyền sử dụng đồng tiền mình kiếm được theo cách của mình. Cảm giác như thể sau thời gian dài bị đô hộ, áp bức thì đã giành lại được tự do, độc lập vậy!” - chị hài hước kể.
Bao phen chị phải khóc dở mếu dở vì chuyện tiêu tiền (Ảnh minh họa).
Người vợ trẻ tên Hằng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng có một người mẹ chồng mà tưởng như đó là “chị em song sinh” với mẹ chồng của chị Thùy.
Hằng cho biết: “Nhà chồng mình thì khá giả mà chi tiêu thì thuộc vào hàng chi li, tính toán chưa từng thấy. Mẹ chồng mình tiết kiệm lắm, đại tiết kiệm luôn ấy. Mấy tháng đầu về làm dâu mà mình tụt mấy cân liền. Nguyên nhân là do vừa không hợp với đồ ăn vừa là do bữa ăn thức ăn ít quá, quay đi quay lại đã chẳng còn gì mà gắp. Mình mua thêm thức ăn về thì bà không vừa ý, chẳng ăn miếng nào. Mình mua sắm thêm thứ gì thì bà cũng kêu vụng về mua bị đắt, đáng lẽ phải rẻ hơn đến một nửa.
Có lần mình đã thủ thỉ với bà: ‘Bố mẹ có tuổi rồi, cần ăn uống tốt hơn để giữ sức khỏe. Con sẽ đưa thêm tiền cho mẹ đi chợ, mẹ yên tâm vợ chồng con lo được mà!’. Mẹ chồng ậm ừ coi như đồng ý khiến mình mừng thầm trong lòng. Nhưng sau đó, mặc dù tiền bọn mình đã đưa thêm mà hiện trạng thì vẫn y như cũ. Mình hỏi khéo thì bà hớn hở khoe: ‘Chúng mày đưa thêm, mẹ căn ke chi tiêu thấy thừa nên lập sổ tiết kiệm rồi!”.
Hằng bức xúc nói thêm: “Bữa ăn hàng ngày ở nhà chồng mình, nói thực lúc khỏe mạnh mình còn không ăn nổi, đến khi có bầu lại nghén nữa thì mình xác định là… nhịn luôn. Mình toàn phải tranh thủ lúc ban ngày đi làm thì ăn ngoài để có sức và chất dinh dưỡng cho con. Đợt bầu bí, có lần mình mua được mấy chục trứng gà ta ngon để tủ lạnh ăn dần. Mấy hôm sau sờ đến đã thấy túi trứng dường như nở thành chim bay đi mất sạch. Mình hỏi đến thì mẹ chồng thú thật: đã mang bán ‘hộ’ mình rồi! Lí do là bà thấy ăn nhiều cũng phí phạm,bán lấy tiền cất đi thì hợp lí hơn!
Chuyện không chỉ dừng lạ ở đó, ai đời mình muốn mua một cái áo mới bằng chính tiền mình làm ra cũng phải dấm dúi, có khi mua rồi phải để một thời gian sau mới dám mặc. Đi xe máy của mình, tiền xăng mình chi mà vẫn bị kêu là đi lắm tốn xăng! Bà cứ thấy mình sắm mới cái gì là kêu ầm lên cái đấy, mà mình có ăn chơi, điệu đàng gì cho cam. Nhiều lúc mình đến phát ức lên, tiêu tiền của mình mà cứ như tiêu tiền ăn xin, à không tiêu tiền ăn cắp thì đúng hơn!”.
“Để đối phó với chế độ áp bức của mẹ chồng, mình phải ‘chơi bài’ mặc đồ cũ ở nhà đi làm, đến cơ quan thì thay đồ mới. Nhiều khi váy vóc đẹp mình toàn để ở cơ quan hoặc gửi nhờ nhà bạn chứ không dám mang về nhà. Bà là chúa hay lên phòng mình ‘thị sát’ lắm, thấy cái gì mới là lại cằn nhằn cả buổi về sự tiêu hoang tan cửa nát nhà của mình!
Bé nhà mình chưa chào đời nên thôi cố nhịn cho yên nhà. Nhưng nếu có con rồi mà bà cũng săm soi từng thứ nhỏ nhất mình mua cho con, rồi bắt con mình kham khổ thì mình đến phát điên mất!” - Hằng đầy lo lắng khi nghĩ về những ngày sắp phải đối mặt phía trước.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]