Nướu răng là những mô mềm xung quanh nâng đỡ răng. Nướu có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Khi những mô mềm này bị nhiễm khuẩn sẽ gây ra bệnh viêm nướu răng và chảy máu chân răng.
Bệnh viêm nướu răng có nguyên nhân chính từ độc tố do vi khuẩn trong cao răng tiết ra, gây kích thích nướu. Vi khuẩn xâm chiếm ở xung quanh kẽ răng làm nướu sưng đỏ. Nguyên nhân trực tiếp của bệnh viêm nướu là mảng bám hình thành trên răng, đó là một lớp màng mỏng mềm, dính, không màu, có chứa vi khuẩn, hình thành trên bề mặt răng và nướu suốt cả ngày. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng gây ra càng lớn.
Ảnh minh họa
Khi bị viêm nướu, trẻ đánh răng rất dễ bị chảy máu và đau. Có những trường hợp trẻ bị sưng nướu răng rất đau, kèm theo lưỡi, môi và miệng bị lở, gây rát. Vì nướu bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên. Ở các trẻ nhỏ, một số bậc cha mẹ khi chùi răng cho trẻ, thấy trẻ đau và khóc, không chịu cho chùi răng nên các bậc cha mẹ không dám vệ sinh răng miệng cho trẻ nữa, từ đó làm cho tình trạng viêm nướu tiếp tục nặng hơn.
Các bậc cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm nướu bằng cách kiểm tra bàn chải đánh răng của trẻ sau khi trẻ đánh răng để xem các sợi lông bàn chải đánh răng có máu còn tích tụ lại trong khi đánh răng hay không. Miệng trẻ sẽ có mùi hôi, hơi thở của trẻ có mùi khó chịu khi bị viêm nướu răng. Ngoài ra, khi trẻ bị viêm nướu thường có biểu hiện ăn ít, bỏ ăn do đau nướu. Ảnh hưởng sớm nhất đến trẻ dễ dàng nhận thấy đó là hơi thở của trẻ có mùi hôi.
Nướu răng của trẻ cần được chải sạch nhiều lần trong ngày bằng bàn chải đánh răng mềm. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước chín để nguội, chà răng và nướu của bé. Tốt nhất, nên chải răng cho trẻ ngay sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Điều này sẽ giúp trẻ phòng ngừa cao răng và sự tích tụ mảng bám trên răng.
Một điều cần nhớ là các bậc cha mẹ cần phát hiện các triệu chứng viêm nướu răng sớm và nhanh chóng điều trị để giúp bệnh chóng lành. Cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ 3-6 tháng/lần và lấy cao răng thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ nha khoa. Khi bệnh được phát hiện sớm thì việc chữa trị dễ dàng, ít tốn kém và khả năng chữa khỏi nhanh chóng hơn. Ngoài ra, cho trẻ ăn bưởi cũng là một biện pháp giúp trẻ ngừa bệnh viêm nướu. Ăn bưởi sẽ giúp tăng lượng vitamine C trong máu, tăng sức đề kháng để chống lại các vi khuẩn gây viêm nướu.
Khi trẻ bị viêm nướu, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị. Việc tự ý điều trị thường không trị bệnh được tận gốc mà khiến bệnh âm ỉ kéo dài, khiến cho việc điều trị sau này sẽ khó khăn hơn.
Theo - Danviet.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]