Hầu hết phụ nữ trong xã hội hiện đại đều làm việc bình thường dù đang bầu bí, đây cũng chính là khoảng thời gian vất vả nhất. Lúc này, bạn vừa phải phải đối phó với nhiều áp lực công việc lẫn những triệu chứng thai nghén như nôn ói, đau nhức…
Vậy bạn đã biết cách để vừa mang thai nhưng vẫn “chung sống hòa bình” với công việc hay chưa? Dưới đây là một vài cách hữu hiệu có thể giúp các mẹ bầu bí duy trì “phong độ” cho đến ngày sinh nở.
Khắc phục chứng ốm nghén
Trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên, hầu hết các thai phụ thường bị buồn nôn khi tiếp xúc với một số loại thức ăn có mùi không hợp với cơ thể. Nên uống nhiều nước và luôn “thủ” sẵn một ít bánh kẹo, thức ăn chứa carbohydrate như: bánh quy, kẹo bạc hà, trái cây sấy khô, snack, trà gừng, chanh….
Trái cây, rau củ, ngũ cốc, protein và các sản phẩm từ sữa đều rất cần thiết. Hãy lên danh sách những nhóm thức ăn cần dùng hằng ngày và một số những thức ăn đặc biệt mà bạn thích. Tránh các loại cá có thủy ngân, trong đó có cá mập, cá kiếm, cá thu, cá ngừ.
Thông thường bạn sẽ phải ăn trưa tại công sở, nếu mang cơm theo thì nên mượn lò vi sóng hâm chúng lên cho nóng sốt, nếu ăn cơm văn phòng, bạn cũng nên lựa chọn một thực đơn cân đối dinh dưỡng có đủ đạm động vật, thực vật và rau xanh, tránh thức ăn quá nhiều gia vị và dầu mỡ. Nên tráng miệng với trái cây 30 phút sau khi ăn trưa.
Bà bầu nơi công sở nên dành thời gian đi lại nhẹ nhàng
Bạn nên tránh ra đường giờ cao điểm sẽ phải chịu cảm giác khó chịu do tắc đường hoặc khói bụi xăng xe sẽ không tốt chút nào nếu bạn lại hít vào nhiều không khí ô nhiễm. Ngoài ra việc tập trung tối đa để điều khiển xe cộ chính xác sao cho đảm bảo an toàn cả cho bản thân và em bé trong bụng sẽ khiến mẹ bầu căng thẳng. Tốt nhất là bạn nên nhờ chồng đưa đi hoặc chịu khó đi sớm hoặc về muộn một chút để tránh tắc đường và cũng là đảm bảo thời gian nơi làm việc. Ngoài ra bạn có thể điều chỉnh giờ đi muộn hơn hoặc về sớm hơn nếu có sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên.
Khi mang thai cử động nhiều như đi lại, leo cầu thang, duỗi tay, chân là rất tốt khiến cơ thể không bị mỏi mệt và giúp máu lưu thông, tránh các bệnh về viêm khớp và phù nề nhưng cũng nên cẩn trọng tránh những cử động như với cao, kiễng chân, đứng lên ghế cao…vì lúc này khả năng cân bằng của mẹ bầu giảm đi rất nhiều. Ngã khi mang thai rất nguy hiểm nên các mẹ cần hết sức cẩn trọng. Cũng không nên cúi thấp luôn xuống khi nhặt vật gì mà hãy gập đầu gối trước rồi từ từ hạ người xuống.
Làm cho mình thoải mái
Hãy điều chỉnh, kê lại bàn ghế sao cho không gian làm việc của mình thật thoải mái và thoáng đãng. Bạn nên nhớ thai nhi đang lớn dần trong bụng bạn sẽ tạo ra một trọng lượng lớn ảnh hưởng trực tiếp lên cơ bắp cũng như dây chằng của mẹ bầu. Ngồi nhiều sẽ không tốt, mẹ bầu hãy đứng dậy và đi lại sao cho thoải mái và giúp máu lưu thông điều hòa. Nếu ngồi lâu một chỗ mẹ bầu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về thần kinh tọa, bệnh cột sống, sưng mắt cá chân.
Không để bị mất nước
Hãy cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Nếu tại văn phòng có sẵn bình nước. Thỉnh thoảng bạn hãy kết hợp vừa đứng lên đi lại vừa kết hợp với uống nước. Đừng nên lấy nhiều nước rồi chỉ ngồi uống mà không chịu đi lại. Ngoài ra, việc mang một bình nước dự phòng bên mình rất quan trọng vì bạn sẽ dễ cảm thấy khát khi mang thai.
Loại bỏ sự căng thẳng
Hãy thông báo với cấp trên và đồng nghiệp để được sắp xếp và phân bổ hợp lý khối lượng công việc cho vừa sức mình. Lý do là sức đề kháng cơ thể và những thay đổi nội tiết không cho phép bạn làm việc quá sức như thời chưa có bé.
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chợp mắt hoặc nghe nhạc thư giãn để tinh thần được thoải mái hơn.
Mặc các loại váy áo với chất liệu vải mềm để dễ vận động, tuy nhiên cần phải lịch sự, duyên dáng vì bạn đang ở chốn công sở.
Không ở lại muộn hoặc làm thêm giờ.
Không được mang việc về nhà làm.
Không nên đứng hay ngồi trong một thời gian dài, nên thay đổi vị trí thường xuyên như đi lại, tập một vài động tác thể dục nhẹ nhàng.
Khi cần cúi xuống hoặc nhấc đồ vặt, bạn nên khuỵu một bên gối, không cúi gập người. Sau đó, từ từ dùng tay lấy đồ và đứng lên bằng lực ở tay, chân chứ không phải từ lưng, Hạn chế xoay vặn mình khi đang thao tác. Nếu cần nhấc vật nặng, nên nhờ người khác làm giúp.
Nên giải quyết công việc vào buổi sáng, khi nguồn năng lượng cơ thể còn dồi dào vì buổi chiều là lúc cơ thể mệt mỏi hơn đặc biệt là giai đoạn mang thai.
Khi nào bà bầu nên ngưng làm việc?
Nhiều phụ nữ vẫn đủ sức làm việc cho đến cận ngày sinh nở, tuy nhiên theo các bác sĩ sản khoa thì không nên làm việc quá tuần 32 của thai kỳ. Giai đoạn này hệ tuần hoàn của bạn phải hoạt động nặng hơn, áp lực cột sống, khớp và khung xương chậu khiến cho bạn sẽ phù nề, mệt mỏi.
Các thai phụ cũng nên thông báo thời gian nghỉ sinh để cấp trên sắp xếp công việc khi bạn vắng mặt. Họ có thể giúp bạn hiểu hơn về chế độ thai sản, nghỉ phép để đi khám định kỳ… Điều này rất quan trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi cũng như dễ dàng hơn khi trở lại công việc sau sinh.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]