1. Không dọa dẫm, thúc ép trẻ ăn cho bằng được
Thay vì dọa dẫm hay quát nạt, phụ huynh nên giới thiệu, trò chuyện với con về xuất xứ, cách chế biến của món ăn thông qua các câu chuyện vui vẻ, giúp tăng hứng thú với việc ăn uống. Vì khi trẻ bị ép ăn, trẻ sẽ càng có ác cảm hơn với loại đồ ăn đó, và tất nhiên khi đó bé sẽ tìm mọi cách để không phải ăn nó.
2. Làm gương cho con
Tuyệt đối tránh không chế biến hoặc không cho con ăn món ăn mà cha mẹ hoặc người lớn trong nhà không thích, không ăn. Thay vào đó, hãy ăn mẫu một vài miếng để kích thích trẻ làm theo.
3. Mở rộng thực đơn cho con
Bạn đừng áp dụng một cách máy móc những thực đơn cho trẻ được giới thiệu trong các cuốn sách hướng dẫn hay các bài chia sẻ. Bởi mỗi đứa trẻ lại có một nhu cầu, một sở thích và khẩu vị khác nhau nên không thể áp dụng hoàn toàn từ đứa trẻ này sang đứa trẻ kia. Bạn nên chế biến đồ ăn theo nhiều cách khác nhau đã đa dạng hóa bữa ăn của con. Điều này sẽ giúp cho chính bạn không bị rơi vào lối mòn những thực đơn dinh dưỡng cho con mình.
Trẻ sẽ dễ thích thú với món ăn hơn nếu trông chúng có vẻ sặc sỡ và luôn mới mẻ.
4. Chế biến các món ăn phù hợp
Nếu trẻ đã đủ tuổi và đảm bảo sức nhai thì nên cho trẻ ăn cơm thay vì bắt trẻ ăn cháo xay và ngược lại. Nhiều cha mẹ lo con không ăn được con nên cứ bắt con ăn cháo. Mà nhiều khi trẻ đã quá chán với món đấy rồi. Bên cạnh đó, trẻ cũng đã có khả năng nhai cơm thì bạn nên tạo điều kiện cho trẻ ăn món trẻ thích.
5. Cho con vận động và không ăn vặt trước bữa chính
Việc cho con tham gia các trò chơi, vận động nhẹ nhàng trước bữa ăn sẽ khiến bé có cảm giác đói và thèm ăn hơn để bù lại lượng năng lượng đã tiêu hao trong quá trình vận động. Bên cạnh đó, cần tránh và tốt nhất là không nên cho bé ăn vặt trước bữa chính để tránh ngang bụng, không còn cảm giác thèm ăn.
6. Không cho con vừa ăn, vừa chơi hoặc xem tivi
Các trò chơi, tivi, điện thoại hay máy tính… sẽ khiến khả năng tập trung vào ăn uống giảm đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, gây mất thời gian của bố mẹ mà còn tạo thành thói quen xấu lâu dài.
7. Kiên nhẫn khi cho trẻ ăn
Cần luôn có thái độ dịu dàng và kiên nhẫn để đảm bảo bé cũng cảm nhận được điều đó, đặc biệt khi cho bé làm quen với món mới. Và đừng quên khen tặng con khi con chịu làm quen với một món mới
Bởi việc thử ăn một món mới cũng giống như vượt qua một chướng ngại vật lớn đối với trẻ, đặc biệt là trẻ có xu hướng biếng ăn.
8. Truyền cho con tình yêu nấu nướng
Khi có tình yêu với việc nấu nướng nó sẽ giúp lan tỏa tình yêu sang các món ăn và khi đó việc lo lắng con biếng ăn chẳng còn là vấn đề nữa. Tập cho con bằng cách cùng con chơi những trò chơi liên quan tới bếp núc, những bộ đồ nấu bếp nho nhỏ và cùng giả vờ nấu nướng với con sẽ khiến con vô cùng thích thú đấy!
9. Khuyến khích bé tự xúc, tự gắp thức ăn
Việc để cho bé tự xúc, tự gắp thức ăn không những tập cho trẻ tính tự lập mà còn đưa cho trẻ cơ hội để tự lựa chọn những loại thức ăn phù hợp trong thực đơn đã được chuẩn bị sẵn. Đây là cách để trẻ cảm nhận thấy chúng được tôn trọng đồng thời cũng là cách để phụ huynh biết được con mình thích ăn món nào, không thích ăn món nào.
10. Không kéo dài bữa ăn quá 30 phút
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cho bé ăn trong vòng 30 phút/ 1 bữa. Nếu bữa ăn kéo dài hàng giờ sẽ không đảm bảo dinh dưỡng do thức ăn không còn nóng và ảnh hưởng tới bữa ăn kế tiếp.
Không kéo dài bữa ăn quá 30 phút cũng sẽ giúp bé tập thói quen nhanh nhẹn trong ăn uống, cha mẹ cũng không mất quá nhiều thời gian cho con ăn.
Theo Ngọc Bích - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]