Những "nickname" của bé có thể ngắn gọn, dễ thương hay độc đáo… Đó sẽ là cái tên bố mẹ dùng để thủ thỉ trò chuyện với con từ khi chưa chào đời và sẽ gắn liền với thời thơ ấu của bé. Thậm chí nhiều người khi đã lớn vẫn được gọi trìu mến bằng cái “biệt danh” tuổi thơ ấy.
Những “nickname” của bé có thể ngắn gọn, dễ thương hay độc đáo…
1. "Nickname" cho bé gái
"Nickname" cho con gái thường dịu dàng, nhẹ nhàng, đáng yêu có thể lấy cảm hứng từ:
- Những con vật bé bé, xinh xinh như: Thỏ, Miu, Mèo, Cún, Gà, Sóc, Bống, Chích Bông, Sò…nghe vừa ngộ nghĩnh, vừa đáng yêu.
- Đặc điểm ngoại hình nổi bật, dễ thương của bé như: Xoăn (nếu bé có mái tóc xoăn), Nhí (để chỉ em bé nhỏ nhắn, vui tươi), Chanh (để chỉ tính cách của bé hiếu động, luôn tay luôn miệng)…
- Tên gọi theo phong cách dân dã, truyền thống như: Nhím, Tý Bông, Bống…với ngụ ý bé sẽ ăn giỏi, chơi ngoan.
- Tên gọi ở nhà cũng có thể được ghép từ những chữ viết tắt của tên chính thức như: Na (nếu tên của bé là Ngọc Anh, Nguyệt Anh), Ti (nếu tên bé là Tiên) hay tạo thành bằng cách lặp tên như: Chi Chi (nếu tên bé là Chi), Mi Mi (nếu tên bé là Mi)…
- Đặt tên theo những loại trái cây rau củ, món ăn ưu thích của mẹ khi mang thai: Na, Dâu, Mít, Cốm, Su su, Bắp, Bánh gạo, Hạt dẻ, Kem…
2. "Nickname" cho bé trai
"Nickname" cho bé trai thì ngược lại thường mạnh mẽ, nghịch ngơm có thể lấy ý tưởng từ:
- Tên các con vật: Gấu (một em bé mũm mĩm, đáng yêu), Nghé (bé là con trâu nhỏ trong nhà, bố là trâu lớn), Cún, Tôm, Hến…
- Đặc điểm ngoại hình, tính cách của bé: Kẹo, Sún, Sumo, Quậy, Chũn…
- Tên "cúng cơm" của bé có thể theo phong cách dân dã, quen thuộc như: Tí, Tí Bồ, Tèo, Tun, Mèn…với ngụ ý bé sẽ dễ nuôi hay ăn chóng lớn.
- Đặt theo món ăn ưa thích của bố mẹ như: Cà Rốt, Khoai, Nem, Bí, Su (su hào), Bơ, Tíu (hủ tíu), Ruốc, Bơ gơ…
3. "Nickname" theo kỷ niệm tình yêu của bố mẹ
Bạn có thể thủ thỉ chuyện ngày xưa để bé biết được nguồn gốc cái tên "đặc biệt" của mình. Vì lúc "cưa" mẹ bố hay kể chuyện "Con cáo và chùm nho". Lúc chưa cưới thì bố nói: Nho xanh lắm, chưa hái được. Lúc cưới rồi bố lại bảo: Nho xanh cứ hái, về ngâm rượu cũng ngon và cái tên Nho xanh của con cũng từ đó mà ra.
4. "Nickname" theo cặp với anh/chị của bé
Ngoài ra, còn có những cái tên ở nhà được bố mẹ chọn đồng bộ cho các cặp anh/chị/ em: Bê – Nghé, Mon-Mi, Đô –Miu, Bi – Bo, Bánh mỳ - Bơ, Mũm - Mĩm…nghe thật dễ thương và tình cảm phải không nào?
Bố mẹ có thể đặt tên ở nhà cho bé theo nốt nhạc: Rê, Mi, Pha, La…với mong muốn bé sẽ có giọng hát thật hay và luôn yêu đời.
5. Những lưu ý khi đặt "nickname" cho bé
- Nên chọn từ ngắn: một đến hai vần. Vần cuối nên có âm dễ nghe, không có nghĩa xấu, bởi vì thực tế khi gọi tên con mọi người chỉ toàn dùng âm cuối này. Ví dụ như nếu tên bé là Anpha thì sẽ thường được gọi là Pha thôi.
- Những tên theo các loại rau củ quả và các con vật thường vừa đáng yêu, vừa thân mật, ngọt ngào mà vẫn ngộ nghĩnh.
- Đừng sợ những quan niệm như tên sẽ ảnh hưởng đến tính cách, năng lực của bé. Ví dụ như nếu đặt tên bé là Cà Rốt thì bé sẽ không học giỏi, hay đặt tên là Cua thì tính cách sẽ ngang bướng.
- Nickname nhiều khi sẽ theo bé cả đời, nên đừng đặt những tên mà khi lớn lên con cảm thấy ngượng ngùng hay gây tâm lý không tốt.
- Còn nếu bạn vẫn băn khoăn về "nickname" của con hãy tham khảo thêm ý kiến của người thân, bạn bè. Chúc cha mẹ tìm được tên ở nhà thật dễ thương cho bé!
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]