Ảnh minh họa: Internet
Hãy tưởng tượng một tình huống: Con của bạn chuyển lớp và thay đổi cả cô giáo. Lớp học mới, tất cả mọi thứ đều trở nên lạ lẫm với con bạn. Và khi bạn cùng con bước vào lớp, đứa trẻ trở nên nhút nhát. Nó ôm chặt lấy chân của bạn. Trong khi bạn khuyến khích con tự giới thiệu với giáo viên mới và các bạn mới, nó vẫn chỉ nấp sau chân của bạn và sợ hãi. Bạn đành cười gượng: "Bình thường cháu nhà tôi cũng không nhút nhát vậy đâu" ... nhưng hơn ai hết, bạn biết rõ sự thật.
Đây là cách thông thường các bé vẫn thể hiện khi phải đối mặt với một tình huống mới và không quen thuộc. Chuyện này đã từng xảy ra nhiều lần và bạn đã thử nhiều cách khác nhau để giúp con bạn cởi mở hơn, nhưng vẫn không có tác dụng. Bạn đã cố gắng hết sức để giúp con bạn tự tin hơn, nói cho con rằng con không cần phải xấu hổ và rằng con là một cậu bé đã trưởng thành- nhưng không thành công. Cuối cùng, bạn vẫn có “chức năng” là nơi trú ẩn cho con.
Vì sao bé nhút nhát?
Trước hết bạn cần phải hiểu rằng nhút nhát là một điều hết sức bình thường. Hầu hết trẻ em nhút nhát đơn giản là vì chúng không biết phải làm gì hoặc làm thế nào để xử lý những tình huống mới. Chúng không thể tìm thấy sự giống nhau những tình huống mới với những thứ tương tự diễn ra trong quá khứ để có thể đưa ra quyết định về cách cư xử và hành động đúng đắn. Nếu bạn hiểu được điều đơn giản này, bạn sẽ dễ dàng xây dựng sự tự tin cho con.
Làm sao để bé tự tin?
Các chuyên gia gợi ý bạn nên giải thích tình huống cho con, giảng giải từng chi tiết với con và cố gắng nói để con hiểu. Biện pháp này mang lại hiệu quả đối với một số trẻ, nhưng không phải là tất cả. Đôi khi nó không hiệu quả vì trẻ nhút nhát thường không hiểu những lý luận đó, mà chúng hành động do những cảm xúc bên trong tác động.
Cách tốt nhất để trẻ thoát khỏi tình trạng xấu hổ là cố tình tạo ra tình huống như vậy trong đời thực và để con bạn phải giải quyết cùng với sự hướng dẫn của bạn. Khi trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các tình huống như vậy, chúng sẽ tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết sự e sợ của bản thân.
Thực hiện phương pháp này như thế nào?
Hãy bắt đầu bằng những công việc nhỏ. Đôi khi công việc hàng ngày cũng có thể đặt trẻ vào những tình huống khó khăn mang tính thử thách. Ví dụ, khi mua hàng, bạn có thể yêu cầu con phải trả tiền tại quầy thu ngân. Nói cho con biết là phải làm như thế nào, gợi ý những gì có thể hỏi cô thu ngân và để cho con ký nhận vào hóa đơn. Tại một nhà hàng, hãy yêu cầu con phải gọi người phục vụ. Tại ngân hàng, hãy để cho con nói chuyện với các nhân viên giao dịch.
Càng khuyến khích con tự làm những việc riêng của mình bé sẽ càng bạo dạn và tự tin hơn. Dần dần, trẻ sẽ tự tin và độc lập như bạn mong đợi.
Theo - Yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]