Khi mang thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn bình thường, vì nhu cầu này ngoài đảm bảo cung cấp cho hoạt động của cơ thể, sự thay đổi về sinh lý của mẹ như biến đổi về chuyển hóa, tăng cân, tăng khối lượng tuần hoàn, tăng khối lượng của tử cung, vú... còn cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và tạo sữa cho con bú. Vì thế, bữa ăn của bà mẹ mang thai cần tăng thêm cả số lượng và chất lượng.
Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần tăng từ 9 - 12kg, trong đó 3 tháng đầu tăng 1 - 2kg, 3 tháng giữa tăng 3 - 4kg, 3 tháng cuối tăng 5 - 6kg. Nếu mẹ tăng cân tốt thì khi sinh ra, thai nhi sẽ đạt được 3kg. Tăng cân tốt, cũng đồng nghĩa với việc người mẹ tích lũy được lượng mỡ lớn - chính là nguồn năng lượng dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Nếu người mẹ không tăng đủ cân sẽ dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, đồng nghĩa với việc thể chất và tinh thần của trẻ sẽ không được tốt. Chính vì thế, chế độ ăn uống khi mang thai vô cùng quan trọng.
Người mẹ cần ăn bao nhiêu là đủ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn của bà mẹ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất bột gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn... Nhóm chất đạm gồm: thịt, cá, trứng, tôm cua, đậu đỗ... Nhóm chất béo gồm: dầu, mỡ, vừng, lạc... Nhóm vitamin chất khoáng và chất xơ gồm: rau xanh và quả chín.
Trong những tháng đầu của thai kỳ, do cơ thể mệt mỏi, lại thường bị nghén, nên nhiều bà mẹ không ăn được nhiều và sợ cơm, vì thế, muốn đủ năng lượng, các chị nên ăn nhiều bữa, ăn các thức ăn ưa thích vào bất cứ lúc nào thấy thèm ăn. Nên ưu tiên thực phẩm thuộc nhóm chất bột vì đây là nguồn cung cấp năng lượng chính, tuy nhiên cần có tỉ lệ cân đối với các nhóm khác, nếu không cũng sẽ có hại cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Trong 6 tháng sau của thai kỳ, nhu cầu năng lượng của bà mẹ là 2.550kcal/ngày, tăng hơn người bình thường mỗi ngày 350kcal, do đó, mỗi ngày người mẹ cần ăn thêm từ 1 - 2 bát cơm.
Nhóm chất đạm rất cần thiết cho bà mẹ mang thai. Nhu cầu chất đạm của người mẹ tăng lên một phần để tổng hợp protein cho cơ thể mẹ, đồng thời còn phải cung cấp protein cho thai nhi và nhau thai hình thành, phát triển. Chất đạm cần cho sự phát triển mọi bộ phận của thai nhi, đặc biệt là tế bào não. Do vậy, ngoài nhóm chất bột, người mẹ mang thai cần bổ sung thêm các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...
Tháp thực phẩm tốt cho bà bầu
Nên dùng nhiều thực phẩm vừa giàu đạm vừa giàu canxi như tôm, cua, cá, ốc để giúp tạo khung xương vững chắc của bào thai và phòng loãng xương cho người mẹ. Cũng nên tận dụng nguồn đạm thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc. Những thức ăn này vừa rẻ, vừa giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, lại có thêm chất béo, cùng với dầu và mỡ vừa giúp tạo năng lượng dự trữ và gây dựng các tế bào của thai nhi, lại vừa giúp hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E).
Bên cạnh khẩu phần ăn cân đối giữa chất bột, chất đạm, chất béo, bữa ăn của bà mẹ mang thai không thể thiếu rau xanh, quả chín. Các loại rau, củ, quả: rau muống, rau ngót, rau cải, rau giền, mồng tơi, rau đay, cà rốt, củ cải, gấc, su hào, chuối, xoài, đu đủ, nhãn, na... là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin E giúp bà mẹ tăng cường sức đề kháng; cung cấp chất sắt, axit folic tham gia vào quá trình tạo máu...
Ngoài ra, các bà mẹ trong vòng một tháng đầu sau khi sinh nên uống một liều vitamin A 200.000 đơn vị để đủ vitamin A trong sữa cho con bú 6 tháng đầu. Để có đủ lượng máu để nuôi dưỡng cả cơ thể mẹ và con, nên ăn nhiều thức ăn có nhiều sắt như thịt nạc, trứng, tim, gan, bầu dục, đậu đỗ, rau xanh... Ngoài ăn uống, bà mẹ cần uống thêm viên sắt với hàm lượng 60mg sắt nguyên tố và 0,4mg folic hàng ngày từ lúc bắt đầu mang thai tới sau khi sinh 1 tháng.
Khi mang thai bà mẹ còn cần uống đủ nước. Lượng nước cần thiết hàng ngày khoảng 1,5 lít. Không nên sử dụng các loại nước giải khát công nghiệp có lượng đường cao. Cũng cần hạn chế dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc; giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm.
Những loại thực phẩm giúp bà bầu tăng cân:
Nước dừa
Nước dừa rất giàu clorua, kali, magiê và một lượng đường, muối, protein hợp lý. Nước dừa cũng giúp tăng tiết nước tiểu, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm đường tiết niệu cũng như giảm nguy cơ sỏi thận. Táo bón, đầy bụng, ợ hơi là những vấn đề thường gặp khi mang thai và nước dừa hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này.
Tuy nhiên, trong một lít nước dừa chứa tới 40g glucid, 2 – 3g acid amin, 4g chất khoáng. Do đó, nếu dùng quá nhiều nước dừa sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng. Vậy lời khuyên tốt nhất dành cho các bà bầu là nên bổ sung điều độ. Nhất là các bà bầu đang cần hạn chế cân nặng. Tối đa chỉ nên uống 3 trái/tuần để tránh tăng cân quá nhanh.
Sữa bà bầu
Sữa bầu được bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho sức khỏe bà mẹ và em bé, nhất là những chất dễ bị thiếu hụt khi mang thai như canxi, sắt, axit folic, các vitamin, axit béo có lợi cho não như omega 3, omega 6, DHA, ARA… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những chất nói trên không chỉ có trong sữa bà bầu mà hiện diện trong nhiều loại thực phẩm mà ta vẫn ăn hằng ngày. Vì vậy, nếu bạn có thể ăn uống bình thường thì không nhất thiết phải uống thêm sữa bầu. Đặc biệt, không nên uống quá nhiều vì nó có thể khiến bà bầu tăng cân quá mức. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe bà mẹ, thậm chí có thể gây khó sinh.
Cũng theo các chuyên gia, chỉ nên chọn bổ sung dinh dưỡng bằng một trong hai cách: ăn uống tự nhiên hoặc uống sữa bầu. Việc sử dụng song song khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa. Tốt nhất bà bầu chỉ nên uống thêm sữa tươi, vừa tốt cho cơ thể mà không bị tăng cân nhanh.
Cam
Theo các nhà khoa học, cam là một trong những loại trái cây có hàm lượng vitamin C, vitamin A, canxi và chất xơ… cao, rất bổ dưỡng cho cơ thể phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trong cam có chứa axit folic vô cùng quan trọng đối với phụ nữ có thai. Nó giúp ngăn ngừa một số loại khuyết tật bẩm sinh, và giúp sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh. Vì thế, cam là loại hoa quả không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của rất nhiều bà bầu.
Tuy nhiên, đừng lạm dụng quá mức loại quả này bằng việc ăn hoặc uống thật nhiều nước cam ép mỗi ngày. Bạn nên nhớ rằng, trong cam còn chứa một lượng đường khá lớn. Do đó, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kì và béo phì. Hơn nữa, cũng cần lưu ý: không ăn vào buổi sáng sớm khi đói bụng hoặc khi bạn có vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Cũng không nên ăn vào buổi tối. Tốt nhất, hãy dành một cốc cam ép cho bữa phụ, và uống một lượng vừa phải mỗi ngày thôi bạn nhé!
Mía
Trong kì thai nghén, rất nhiều bà bầu thèm ăn đồ ngọt. Và mía là lựa chọn số 1 vì đây là loại thức ăn tự nhiên và an toàn. Đồng thời, theo Đông y, mía có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, chống táo bón.
Song, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì đường trong cây mía chiếm tới 70%, còn lại là các chất béo, đạm và bột. Như vậy, mía cung cấp cho cơ thể rất nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng. Do đó, ăn quá nhiều mía sẽ khiến có thể thừa nặng lượng dẫn tới việc tăng cân nhanh. Hơn nữa, lượng đường quá cao trong mía cũng không tốt cho thai kì vì nó dễ khiến bà bầu mắc tiểu đường. Bà bầu nên hạn chế uống nước mía để kiểm soát cân nặng của mình.
Bánh quy
Nhiều bà bầu tỏ ra nghiện món bánh quy, thậm chí nó trở thành đồ ăn vặt không thể thiếu mỗi ngày. Nhất là trong thời kì nghén, bà bầu thường nhấm nháp vài chiếc bánh quy để giảm cơn buồn nôn. Tuy nhiên, bánh quy chứa rất nhiều năng lượng và đường, nếu ăn nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường ở thai phụ. Do đó, hãy hạn chế thói quen nhấm nháp những chiếc bánh quy hàng ngày để không phải đối mặt với tình trạng cân nặng tăng quá mức. Tốt nhất là bạn nên thay thế nó bằng những loại trái cây ưa thích.
Lời khuyên giúp bà bầu kiểm soát cân nặng
Việc thừa cân là hoàn toàn không có lợi cho bà bầu. Nên bạn cần có chế độ ăn uống hợp lí để kiểm soát tình trạng này. Những món ăn trên đều tốt, tuy nhiên chúng chứa quá nhiều dinh dưỡng và năng lượng, do vậy bà bầu tuyệt đối không nên ăn quá nhiều. Chắc hẳn bạn không muốn đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kì, béo phì, khó sinh thậm chí có thể khiến em bé của mình mắc chứng tim mạch phải không? Vậy thì, hãy ăn uống đa dạng các thực phẩm một cách khoa học, thay vì ăn quá nhiều một loại thức ăn nào đó. Như vậy bạn mới có một thai kì khỏe mạnh được.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]