Những bà mẹ mới sinh con cần biết các biểu hiện này!Từ giây phút đầu tiên được ôm bé trong vòng tay, cuộc đời bạn đã bước sang một chương hoàn toàn mới, khác xa với những gì bạn tưởng tượng trước đây. Bé của bạn đang thay đổi từng tuần, thậm chí từng ngày. Đồng hành cùng con trong những tháng năm đầu đời, nắm bắt được sự phát triển của bé sẽ giúp bạn hiểu rõ con mình và chăm sóc bé tốt hơn.
Đối với những người mới làm mẹ lần đầu, họ có luôn có nhiều băn khoăn, trăn trở trong đầu, "liệu bé đã ăn no chưa?", "bé khóc thế này là bị làm sao?", "con có đang khỏe mạnh hay không?". Có mẹ phải lên mạng tìm kiếm thông tin về các dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh và nhận được vô vàn các câu trả lời. Để giúp các mẹ yên tâm, dưới đây tôi xin liệt kê một số dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang khỏe mạnh
1. Thay 8 – 10 tã một ngày
Điều đó chứng tỏ: Số lần thay tã cho bé trong ngày là một chỉ số rất tốt để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé cưng. Nếu trẻ không cần thay tã thường xuyên, điều đó có thể báo hiệu một vấn đề bất ổn nào đó.
Khi bé yêu chưa đầy một tháng tuổi, mỗi ngày bé sẽ làm ướt từ 6 miếng tã trở lên và đi tiểu 3 - 4 lần. Không có gì là bất thường khi cha mẹ của trẻ sơ sinh phải thay tã cho bé ít nhất 10 lần trong ngày ở giai đoạn đầu đời.
Khi được hơn 1 tháng tuổi, bé vẫn sẽ làm ướt từ khoảng 4 - 6 miếng tã mỗi ngày. Việc đi tiểu phụ thuộc vào độ tuổi cụ thể và loại thực phẩm bé đang ăn nhưng số lần thay tã có xu hướng giảm đi so với tháng đầu tiên. Phân của trẻ sơ sinh thường mềm ít nhất ba tháng đầu vì cục cưng thu nạp hầu hết chất dinh dưỡng từ các chất lỏng.
Số lần thay tã cho bé trong ngày là một chỉ số rất tốt để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé cưng (Ảnh minh họa)
Mẹ để ý lịch thay tã cho bé là điều rất quan trọng, vì tã ướt và bẩn là dấu hiệu cho thấy trẻ đang được ăn uống đầy đủ. Mặc dù
trẻ em có xu hướng tiêu tiểu theo các lịch trình khác nhau, bé yêu của bạn cần thay tã ít nhất 6 lần mỗi ngày. Nếu con không thải ra đủ lượng nước tiểu hoặc phân, đó là một dấu hiệu cho thấy bé không nhận đủ chất dinh dưỡng, và bạn nên nói chuyện với bác sĩ. Luôn nhớ rằng số lần đi tiêu giảm sút sau tháng đầu tiên vì đây là lúc ruột của trẻ đang dần hoàn thiện.
2. Bé phản ứng nhanh với các âm thanh Điều đó chứng tỏ: Thính giác của trẻ đang phát triển, và con đang sử dụng bộ não của mình để phân biệt các âm thanh.
Trẻ hoàn toàn có khả năng nghe từ khi sinh ra, nhưng phải mất một vài tuần để có có thể lọc được ra các tiếng ồn trắng (âm thanh giúp con người tập trung hơn, làm cho não thư giãn, cũng như là dễ ngủ hơn, ngủ ngon và thấy thoải mái hơn) từ cuộc sống hằng ngày bên ngoài tử cung. Một khi mẹ thấy bé phản ứng với âm thanh bằng cách đảo mắt tìm kiếm các chỗ phát ra âm thanh, mẹ sẽ biết tai con có được khỏe mạnh và trẻ đang phát triển sự tò mò về những gì nghe thấy.
Tầm từ 2 – 3 tháng tuổi, cơ quan thính giác của bé đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy bé chỉ nghe được những âm thanh ở gần. Bé có thể hướng đầu, quay mặt về phía người hỏi chuyện bé. Bé đặc biệt thích thú khi được nghe giọng nói của mẹ hay của những người xung quanh. Lúc này, bé đã biết phản xạ với tiếng nói hoặc âm thanh. Bé sẽ lắng nghe chăm chú và có thể có phản ứng đáp lại.
Để kích thích và phát triển khả năng nghe của trẻ, mẹ có thể mua cho bé đồ chơi phát ra tiếng nhạc như hộp âm nhạc vừa có thể luyện tập thính lực cho bé vừa có thể làm cho bé vui. Nếu khi bé của bạn đã được 2 tháng tuổi mà vẫn chưa biết cười, ánh mắt có thể ngây ngô hoặc không có phản ứng gì với âm thanh nghe được, bạn nên đưa bé tới
bệnh viện để kiểm tra năng lực, trí tuệ và khả năng nghe của bé.
3. Tập trung tầm nhìn vào các đồ vật, màu sắcĐiều đó chứng tỏ: thị giác và trí não của bé đang phát triển
Đây cũng được xem là một trong những dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Ngay giây đầu tiên lọt lòng mẹ, thị giác của bé đã được kích hoạt và bắt đầu phát triển. Tại thời điểm chào đời, thị lực của bé là 1/20, nhưng sẽ phát triển nhanh chóng để đạt đến mức trưởng thành là 20/20 khi bé ở vào khoảng 3-5 tuổi. Sự tăng trưởng cực nhanh là lý do vì sao tháng đầu đời rất quan trọng trong sự phát triển thị giác của trẻ.
1 tháng tuổi: Bé bắt đầu di chuyển mắt và đầu theo hướng có nguồn sáng, ghi nhận vật thể nằm trong trục ngang trước mặt, tiếp xúc bằng mắt và nhìn chăm chú vào những người chăm sóc bé.
2-3 tháng tuổi: Ghi nhận vật thể theo cả trục dọc và trục xoay (quanh bé); bắt đầu có thể di chuyển mắt độc lập với đầu; tăng nhạy với ánh sáng; dùng mắt nghiên cứu bàn tay và bàn chân mình; dễ bị mất tập trung bởi những hình ảnh thú vị khác; giữ tiếp xúc bằng mắt cường độ cao trong thời gian dài hơn.
Trong tầm tuổi này, nếu mẹ nhận thấy mắt bé không phát triển bình thường, chưa có khả năng tập trung nhìn ngắm một đồ vật nào đó thì nên cho bé đi khám để biết rõ tình trạng thị lực của con.
4. Giao tiếp bằng mắt, cười khúc khích và biết tán chuyện với mọi người
Điều đó chứng tỏ: Trẻ đang có nhu cầu được giao tiếp xã hội
Giây phút đầu tiên mẹ có thể giao tiếp bằng mắt với trẻ sơ sinh là khi con được 1 tháng tuổi. 2 tháng tuổi con bắt đầu biết cười, 3 tháng tuổi biết thủ thỉ tán chuyện, 4 tháng tuổi có thể bật cười khúc khích.
Tất cả những tương tác này cho thấy bé đang kết nối với mẹ và trở nên ý thức hơn về môi trường xung quanh mình. Trên một mức độ nào đó, con hiểu rằng mọi người đang cố gắng tương tác với mình. Khoảng 5 tháng tuổi, bé đã nhận thức được sự giao tiếp của mọi người với mình, như thể một phản xạ tự nhiên bé đã mỉm cười khi ai đó mỉm cười với bé.
Biết giao tiếp bằng mắt, cười khúc khích, tán chuyện với mọi người chứng tỏ trẻ đang hình thành nhu cầu xã hội. (Ảnh minh họa)
Tất cả những hành vi này là chỉ số quan trọng của sự phát triển ngôn ngữ sớm. Bởi trước khi có thể hình thành ngôn ngữ hoàn thiện, trẻ em sử dụng ngôn ngữ cơ thể, bao gồm cả ánh mắt và nét mặt để biểu lộ thái độ cũng như mong muốn của mình.
5. Khóc ít và ngủ đều đặn hơn Điều đó chứng tỏ: Hệ thần kinh của bé đang phát triển
Trẻ sơ sinh khóc và quấy nhiều là một điều bình thường. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ được cải thiện theo thời gian. Trong suốt những tháng đầu, bé thường khóc nhiều. Bé sẽ khóc ít hơn sau 6-8 tuần, sau đó giảm dần đến khoảng 4 tháng tuổi thì rất ít quấy khóc. Bé thường khóc nhiều hơn sau giấc trưa và buổi chiều. Khi đó, bé cần được giải tỏa bớt áp lực sau một ngày dài.
Có một vài trường hợp bé bị đau bụng hoặc khóc không rõ nguyên nhân mặc dù trông bé vẫn khỏe mạnh. Nếu bé dưới 5 tháng tuổi khóc liên tục ba tiếng đồng hồ hoặc nhiều ngày trong tuần, rất có thể bé bị đau bụng. Đau bụng không phải là bệnh và cũng không gây hại về lâu dài cho bé, nhưng nó gây khó khăn cho cả bé và ba mẹ.
Về giấc ngủ, trẻ 4 tháng tuổi đã dần bắt đầu có những giấc ngủ ổn định và mẹ cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Với nhiều trẻ 4 tháng tuổi, bé có thể ngủ liền một mạch 6 tiếng về đêm, vì thế mẹ cũng không nên lo trẻ đói mà đánh thức trẻ dậy để cho trẻ bú. Trường hợp trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên vẫn có thói quen ăn ngủ không đều đặn, mẹ cần thiết lập một chế độ chặt chẽ hơn cho con.
6. Khi bé có khả năng chống đỡ được cơ thể Điều đó chứng tỏ: Đây là dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh, chứng tỏ những cơ bắp nhỏ của bé đang mạnh lên.
Rất nhiều em bé 1 tháng tuổi đã có thể giữ đầu của mình lên một thời gian ngắn. Vào thời điểm bé 3 tháng tuổi, con sẽ làm như vậy thường xuyên và với kỹ năng cao hơn. Nếu bé có thể ngẩng đầu lên hoặc quay ngang nhìn ngó xung quanh trong vòng tay của mẹ, điều đó chứng tỏ con đang phô diễn sức mạnh ngày càng tăng của mình.
Khi bé có thể giữ thăng bằng, tay cứng cáp hơn và có thể kiểm soát được đầu, cổ, và thân dưới, bé sẽ cố gắng ngồi dậy. Lúc này, tầm nhìn của bé thay đổi, cho phép bé quan sát được ở phạm vi rộng hơn. Khi nhận thấy những điều mới mẻ này, bé sẽ cố gắng rướn người cao hơn để nhìn được nhiều hơn.
Trong những lần đầu tiên, bé sẽ không tự ngồi lâu được nên bạn có thể giúp dang hai tay bé ra cho bé giữ thăng bằng. Để khuyến khích bé ngồi, bạn hãy đu đưa nhẹ người bé và đặt những món đồ lạ mắt, yêu thích của bé ở trước mặt. Sau đó, bạn di chuyển các món đồ chơi đó chậm chậm từ bên này qua bên kia để tập cho bé giữ thăng bằng và quen với việc ngồi hơn.
Theo DanViet