Khi thấy trẻ nhỏ có các dấu hiệu như sốt cao thành cơn, thường là từ 39oC, hắt hơi sổ mũi nhiều, chảy nước mũi, đau, rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi, chảy nước mũi trong, nhiều phụ huynh đã không đưa bé tới các cơ quan y tế mà tự mua thuốc về cho con uống. Việc này rất dễ gây ra những tác hại nguy hiểm cho bé.
1. Cho trẻ dùng kháng sinh khi không cần thiết
Theo bác sĩ Hoàng Yến, Chuyên khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viêm đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản) chủ yếu là do virus gây ra (đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần).
Bệnh xuất hiện một cách khá thường xuyên, theo mùa: nhiễm bệnh, rồi khỏi, rồi lại nhiễm bệnh rồi khỏi nên dễ khiến phụ huynh chủ quan tự mua thuốc kháng sinh về điều trị cho trẻ tại nhà.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, việc cho trẻ uống kháng sinh nhiều đợt kéo dài là hoàn toàn không nên vì sẽ làm tăng men gan, ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa của bé vì kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể.
Và với hầu hết các trường hợp viêm hô hấp trên, viêm họng thường không dùng kháng sinh vì 90% là do virus. Chỉ dùng kháng sinh điều trị khi nguyên nhân viêm đường hô hấp do vi khuẩn gây bệnh.
2. Không đưa trẻ đi tái khám
Cũng theo bác sĩ Yến thì khá nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, các phụ huynh này dùng toa thuốc cũ đi mua thuốc về... tự điều trị cho trẻ.
Trong trường hợp nếu bệnh viêm đường hô hấp của trẻ không phải do virus mà do nhiễm khuẩn thì trẻ cần dùng kháng sinh thay vì thuốc chống viêm và cách điều trị dự phòng. Lúc này, toa thuốc cũ của trẻ không còn hiệu quả khiến trẻ sẽ bị viêm hô hấp kéo dài dẫn đến viêm phế quản, bội nhiễm và viêm phổi.
Chính vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đi tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.
3. Tự đặt khí dung
Khi trẻ bị chẩn đoán là viêm đường hô hấp thì việc vệ sinh sạch sẽ mắt, mũi cho trẻ là rất cần thiết. Đặc biệt đặt khí dung có vai trò rất tốt trong việc điều trị đường hô hấp như viêm phế quản, viêm khí quản, viêm đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sử dụng được khí dung. Mức giá mỗi lần thở khí dung tại bệnh viện hay các phòng khám khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng trong chừng 5 -10 phút. Tính toán thấy việc mua một cái máy về tự làm ở nhà sẽ tiết kiệm hơn, phụ huynh tự mua rồi đặt khí dung cho con tại nhà.
Theo các bác sĩ, đường ống khí dung nếu không được tiệt trùng theo tiêu chuẩn quốc tế như tại bệnh viện thì sẽ trở thành 1 ổ nhiễm khuẩn. Khi đưa vào xông mũi, vi khuẩn có thể theo đó xâm nhập vào các cơ quan thanh khí quản gây bệnh nặng thêm. Bên cạnh đó, khí dung có thể gây những phản ứng sốc bất ngờ, dẫn đến tử vong.
4. Nhầm lẫn dấu hiệu bệnh
Cũng theo bác sĩ Yến, các dấu hiệu của bệnh sởi rất giống với biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp nêndễ gây ra những chẩn đoán bệnh sai. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi việc điều trị tại nhà không dứt, gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm cho sức khỏe và sinh mạng trẻ: viêm phổi do virus, suy hô hấp và tử vong.
Ảnh minh họa
Vì những nguyên do trên, bác sĩ khuyên, khi thấy các dấu hiệu như nóng sốt (trên 38oC- 39oC), ho khan, đau rát họng, đỏ họng ở trẻ thì phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám. Sau đó tuân thủ tuyết đối quy trình khám chữa mà bác sĩ đưa ra.
Đặc biệt, với chứng viêm họng, viêm đường hô hấp trên này, trẻ cần được giữ ấm, đặc biệt là vùng cổ, không nằm máy lạnh, không mở quạt lớn, chú ý vệ sinh mũi, mắt cho trẻ để ngăn chặn bội nhiễm đồng thời bổ sung dưỡng chất đầy đủ, nhất là rau củ, trái cây nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]