Lúc này, sự hỗ trợ của người chồng là vô cùng quý báu. Vậy, làm thế nào để người cha tương lai có thể đồng hành, “mang thai” cùng vợ một cách tốt nhất?
Ưu tiên hàng đầu
Điều quan trọng nhất một người đàn ông sắp lên chức bố cần hiểu, là trong thời gian vợ mang thai, họ phải thu xếp mọi thứ, ưu tiên cho bà mẹ được hạnh phúc, thoải mái hết mức để đảm bảo thai nghén ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Thực tế, một người mẹ mang thai có thể trở nên “đáng sợ” với người chồng: luôn căng thẳng, than vãn liên hồi, tính tình thất thường, hình thức cũng rất khó coi trong những đợt ốm nghén. Đó là chưa kể áp lực từ trọng trách làm bố đang đến gần. Nhưng sự khỏe mạnh của bà mẹ và thai nhi là điều quý giá nhất, đòi hỏi phải có sự yêu thương, chăm sóc và quan trọng nhất là sự có mặt liên tục của người chồng. Chính vì thế, đây là một thử thách đòi hỏi bản lĩnh của người đàn ông.
Điều thường bị bỏ qua nhất là thái độ người chồng nhận được tin vợ mình có thai. Dù việc mang thai này có được lên kế hoạch trước hay không, thì ông bố tuyệt đối không nên tỏ thái độ tiêu cực. Các phản ứng cần tránh như lo lắng, buồn phiền, giận dữ… Thời điểm này là lúc mà ông bố phải tỏ rõ họ sẵn sàng hỗ trợ vợ, sẽ làm hết sức để có thể đảm đương trách nhiệm người cha. Đây là một động thái có thể gây ảnh hưởng vô cùng lớn cho người mẹ mang thai, củng cố tinh thần cho người phụ nữ với những gì sắp đến.
Đồng hành để đón bé yêu
Mặc dù nói là “mang thai” cùng vợ, nhưng sự thật là các ông chồng không thể chia sẻ được những khó chịu về thể xác mà người vợ đang trải qua, họ chỉ còn cách tìm đến mọi công cụ, mọi sự hỗ trợ từ bên ngoài để có thể giúp bản thân đồng hành với vợ.
Trước hết là việc thu thập kiến thức. Các ông bố nên tìm đọc những cuốn sách về vấn đề thai nghén, tìm đến các chuyên gia tư vấn, thu nạp càng nhiều thông tin càng tốt. Người cha phải biết rõ về thai nghén như người mẹ, vì đó vừa là cách để chuẩn bị với các tình huống thực tế, vừa để cảm thông được với người mẹ mang thai. Nhưng nên cẩn thận khi học hỏi “kinh nghiệm” của người khác, vì kiến thức không chuyên thường rất nguy hiểm.
Các ông bố cần luôn đồng hành với vợ mình trong những công việc chuẩn bị, đặc biệt là những lần thăm khám bác sĩ sản khoa, để ý thật kỹ những gì bác sĩ dặn dò.
Thai nghén sẽ làm rối loạn hormone của người mẹ, khiến tính tình của họ trở nên thất thường. Hiểu được điều này, người chồng phải vô cùng kiên nhẫn và bình tĩnh để ứng xử. Đôi khi chấp nhận, đáp ứng những nhu cầu khó hiểu nhất của người vợ là lựa chọn tốt nhất. Đó có thể là cơn thèm một món ăn duy nhất trong lúc bất tiện nhất, những ông bố nên sẵn sàng cho các chuyến mua sắm giữa đêm khuya. Có khi bà mẹ không thể ngủ ngon trên giường vì cảm giác chật chội, lúc ấy, ông bố đừng ngại làm quen với một chỗ ngủ mới trên ghế sofa hay giúp xoa lưng, trấn an vợ.
Các ông chồng cần làm mọi thứ để giảm stress cho vợ. Đừng quên bày tỏ tình yêu với bạn đời. Hãy luôn khen họ đẹp và đừng bao giờ chê bai điều gì về hình thức. Chuyện chăn gối vẫn có thể được diễn ra, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của người vợ. Các ông bố cũng đừng quên tự chăm sóc cho bản thân mình. Cẩn trọng với các loại mùi, nhất là mùi hôi cơ thể, vì khứu giác của phụ nữ mang thai rất khác thường.
Những cơn thai nghén khó chịu, các đợt chuyển đổi tính khí thất thường... của bà mẹ mang thai sẽ gây sức ép lớn lên tinh thần và sức khỏe của ông bố, nhưng cơn khủng hoảng này sẽ qua, sẽ kết thúc bằng sự kiện kỳ diệu là sự ra đời của thiên thần bé bỏng. Sự hy sinh của người cha rất xứng đáng!
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]