Kể từ tháng 11 đến nay trên thị trường liên tục xuất hiện tình trạng vàng kém chất lượng, vàng giả khiến dư luận lo lắng.
Mới đây nhất ngày 2-12, tiệm vàng Ngọc Phát nằm trên đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai đã buộc phải báo cho Công an TP Biên Hòa về việc một nhóm người Trung Quốc đã lừa bán 58 kg vàng cám đoạt hơn 10 tỉ đồng, trong đó có nhiều vàng giả.
Trước đó, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và một số tỉnh, thành khác bị lừa mua phải loại vàng kém chất lượng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Có thể do thử không hết
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng VN (VGB), nhìn nhận chuyện vàng giả, vàng kém chất lượng xuất hiện từ lâu chứ không phải bây giờ mới có.
Bởi bản thân vàng có giá trị cao nên làm giả nếu bán sẽ được nhiều tiền hơn những loại hàng hóa khác. Đó là lý do khiến những kẻ có động cơ lừa đảo kiếm tiền buôn vàng kém chất lượng, vàng giả.
Hơn nữa, hiện nguyên liệu vàng cho ngành nữ trang dường như không có nên các tiệm vàng vẫn phải mua hàng trôi nổi, vàng ký, vàng cám… nên tình trạng lừa đảo vàng kém chất lượng, vàng giả vẫn còn.
TS Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia ngành vàng, cho hay không chỉ ở Việt Nam mà ở một số nước trên thế giới đã từng xảy ra các vụ vàng giả, vàng kém chất lượng. Chẳng hạn ở Thổ Nhĩ Kỳ từng có đơn vị cũng mua phải 50 kg vàng giả, kém chất lượng.
“Riêng sự việc ở Đồng Nai, có thể có một lý do nào đó mà tôi chưa hiểu được, chứ bản thân vàng là tài sản giá trị cao nên chỉ cần mua một chỉ vàng thôi tiệm vàng cũng sẽ thử chứ chưa nói cả mấy chục ký vàng.
Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng thấy giá bán hời quá, mà thử hết vừa mất thời gian và tốn kém nên tiệm vàng đã thử không hết” - TS Nguyễn Thế Hùng nói.
Cách xác minh vàng thật, giả
Vậy có khó phân biệt vàng giả, vàng kém chất lượng hay không? Theo ông Hải, vàng giả thì thử là biết ngay. Riêng vàng kém chất lượng thì phức tạp hơn, tuy nhiên cách duy nhất là đem ra khò nấu lên là phân biệt được.
Với giá trị chiếc máy khò nấu vàng chỉ vài triệu đồng thì không tiệm vàng nào không mua được nên hầu như đơn vị nào cũng có. Vấn đề còn lại là khách hàng có chịu để tiệm vàng khò nấu để kiểm tra hay không.
“Nếu khi nấu ra ở một nhiệt độ gần 3.000 độ C, vàng thật sẽ chảy ra và nhìn vào mắt thường là nhận biết được. Khi đó chúng ta sẽ đem vàng, rồi tạp chất qua máy phổ quang để kiểm tra trọng lượng phân li chi tiết hơn” - ông Hải nói.
Riêng với vàng tạp chất, bên ngoài là vàng, bên trong là Vonfram thì đo ở máy phổ quang rất khó vì bản thân trọng lượng của Vonfram lại bằng với trọng lượng vàng nên khó kiểm tra. Do vậy các tiệm vàng thường cắt đôi ra và vẫn phải đốt lõi để kiểm tra.
“Tất nhiên nấu vàng lên thì không tốn kém nhưng sau khi nấu mà kiểm tra qua máy phổ quang… nhiều khi khách hàng không chịu dù nếu khò nấu vàng lên kiểm tra chỉ mất vài phút” - ông Hải nhận định.
Chủ một tiệm vàng tại đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM cho hay thông thường mua một chỉ tiệm vàng cũng thử chứ không nói số lượng vàng lớn. Bởi vậy nghe các vụ vàng giả, vàng kém chất lượng vừa qua tôi chưa hiểu rõ thực hư câu chuyện là gì.
“Trước đây tôi cũng hay mua được loại vàng một lượng là hàng trôi nổi. Nhưng ngay cả miếng vàng/lượng trôi nổi chúng tôi cũng yêu cầu khách sẽ cắt từng khúc ra và đốt lõi.
Khách hàng nào không chịu làm như vậy thì tiệm vàng cần cảnh giác và không nên mua. Vì nhiều khi trong lõi có do Vonfram nên phải dùng máy khò nấu chảy đo mới chắc ăn” - chủ tiệm vàng này khuyến cáo.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]