Cầm trên tay chai nước tinh khiết Aquafina và sản phẩm nhái Aquaroma mua tại cùng một tiệm tạp hóa trên đường 23-10 (TP. Nha Trang), chúng tôi nhận thấy hàng nhái giống đến 90% hàng thật. Từ tên gọi, kiểu dáng chữ cho đến cách thiết kế bao bì trên nền vỏ chai màu xanh đều rất dễ gây nhầm lẫn. Quan sát kỹ, chúng tôi thấy nét chữ in trên bao bì của chai Aquaroma kém sắc nét hơn, vỏ mỏng hơn hàng thật, lớp niêm phong kém chắc chắn. Thậm chí bên trong nắp chai nhái còn cáu bẩn, nhìn rất mất vệ sinh. Địa chỉ sản xuất Aquaroma là một cơ sở ở Hà Nội, khác với xuất xứ của hàng chính hãng. Theo lời nhân viên bán hàng tại đây, cửa hàng bán hai loại nước uống xịn và nước uống “thường” (nhái). “Hàng thường” tiêu thụ dễ hơn vì giá chỉ 4.000 đồng/chai 500ml, 7.000 đồng/chai 1,5 lít, trong khi hàng thật có giá 5.000 đồng/chai 500ml, 10.000 đồng/chai 1,5 lít.
Ở một số cửa hàng khác còn xuất hiện các nhãn hiệu
tương tự như: Aquafamily, Aqualeader...
Tại một số điểm kinh doanh khác, có khá nhiều sản phẩm nước giải khát nhái theo nhãn hiệu C2 nổi tiếng. Cùng là vỏ chai màu vàng, tên nhãn hiệu viết nét chữ thư pháp nhưng hàng nhái còn “biến tấu” thêm dấu gạch ngang nằm giữa chữ C để thành tên gọi E2, hoặc thêm nét móc thành G2. Có chai lại “cải tiến” tên gọi C2 thành Cz. Nhiều sản phẩm chỉ ghi tên cơ sở, không ghi rõ nơi sản xuất. Chủ một quán nước gần bến xe phía Nam (TP. Nha Trang) cho biết, các sản phẩm này có giá nhập về chỉ bằng một nửa hàng thật, bán ra lãi hơn. Về chất lượng, người này khẳng định: “Đổ nước vào ly, thêm ít đá rồi uống thì cũng ngon như nhau”.
Nhiều sản phẩm nước uống, nước giải khát bán chạy khác như: Lavie, Cocacola, Sting, Redbull... cũng xuất hiện hàng nhái với giá chỉ bằng 2/3 hàng thật. Nhiều nơi bày bán xen lẫn với hàng thật khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Trên bao bì các sản phẩm này đều có màu sắc, thiết kế gần giống với hàng thật, kèm theo những lời quảng cáo in trên bao bì như: sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất, tuyệt đối an toàn, tiệt trùng bằng tia cực tím... Tuy nhiên, địa chỉ sản xuất, thông tin về chỉ tiêu kỹ thuật lại không có hoặc không rõ ràng. Một số người kinh doanh nước uống còn sử dụng vỏ chai xịn đựng nước tự chế để bán cho khách hàng với giá tương đương hàng thật. Ông Nguyễn Trọng Dân (đường Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang) cho biết, ông từng mua phải một chai nước uống “dỏm” trên đường Phan Chu Trinh (TP. Nha Trang) với giá tương đương hàng thật. Khi mua xong, ông mới phát hiện vỏ chai đã cũ và hết hạn sử dụng, nắp chai không niêm phong...
Xem kỹ trước khi mua
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai của Bộ Y tế, các sản phẩm này phải đảm bảo các chỉ tiêu hóa học, chỉ tiêu vi sinh vật, được công bố hợp quy... trước khi lưu hành trên thị trường. Song, đối với các sản phẩm nước đóng chai giả, nhái thì quy trình sản xuất có đạt chuẩn hay không lại là điều chưa thể khẳng định. Năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã thu giữ và tiêu hủy gần 100 chai, lon nước giải khát các loại không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nước đóng chai kém chất lượng lưu thông trên thị trường rất lớn.
Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, việc sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng nhái theo nhãn hiệu nổi tiếng mang lại nhiều lợi nhuận do chi phí đầu tư thấp, không phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế... Các đối tượng này không có ý thức bảo vệ chất lượng sản phẩm và không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái cũng làm giảm uy tín của các đơn vị kinh doanh chân chính, làm lu mờ hình ảnh của các nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần lưu ý xem kỹ tên thương hiệu, tem nhãn, hạn sử dụng của các loại nước uống đóng chai trước khi mua và sử dụng để tránh “tiền mất tật mang”.
Theo CHG
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]