Sáng 19/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Môi trường công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất và niêm phong các sản phẩm cà phê tại cơ sở sản xuất cà phê của ông Nguyễn Đình Quang, 32 tuổi, thôn 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Tại buổi kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất cà phê bột. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở không đảm bảo, tất cả hoạt động từ khâu rang, xay, đóng gói đều được làm dưới nền nhà cáu bẩn. Bột cà phê đã qua chế biến có tới 90% là đậu nành, bắp và nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc.
Thượng tá Lê Tôn Cương, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ sở rang xay cà phê của ông Nguyễn Đình Quang hoạt động từ năm 2013. Cơ sở này đã từng bị kiểm tra và xử phạt với số tiền 37.500.000 đồng vì vi phạm trong sản xuất, kinh doanh cà phê không đảm bảo chất lượng.
Hóa chất không rõ nguồn gốc tại cơ sở sản xuất cà phê nhà ông Quang.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở sản xuất cà phê từ những nguyên liệu lạ.
Trước đó, ngày 24/10/2014, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (công an TP.Đà Nẵng) cũng phát hiện một cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bẩn, không đảm bảo vệ sinh trên đường Tôn Đản (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Cơ sở sản xuất này do ông Hồ Nhật Trường (31 tuổi, hộ khẩu thường trú Đắk Nông) làm chủ, có 8 công nhân làm thuê.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực sản xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, nguyên liệu dùng để sản xuất, gồm 1.000 kg cà phê hạt, đậu nành, bắp, muối, bơ, hương cà phê… để vương vãi dưới sàn nhà.
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy dù đang chế biến 8 nhãn hiệu, tuy nhiên chủ cơ sở này chỉ cung cấp hợp đồng gia công và công bố chất lượng 2 nhãn hiệu là Danacaphe và Đại Cát Long.
Lực lượng chức năng tiến hành xác minh một số nhãn hiệu cà phê tại các tỉnh, thành phố thì được biết các nhãn hiệu này chưa được chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Qua kiểm tra, các gói cà phê này không đạt tiêu chuẩn theo quy định vì hàm lượng caffeine rất ít, chỉ chiếm 0,0062%, còn lại chủ yếu là đậu nành, bột bắp… Ông Trường thừa nhận đã tự đi in bao bì của các nhãn hiệu cà phê nói trên rồi thuê công nhân chế biến, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho một số nhân viên, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt cơ sở này số tiền 14,5 triệu đồng vì các vi phạm trên.
Cách phân biệt cà phê thật - cà phê giả
Màu sắc: Cà phê nguyên chất khi pha ra, có màu nâu cánh gián, óng ánh rất đẹp. Còn cà phê có màu đen sậm thì đó là màu của phẩm nhuộm phân tán thường dùng để nhuộm vải sợi, cực kỳ độc hại đối với sức khỏe.
Bọt cà phê: Nếu khi pha, chúng ta đánh (khuấy) thì cà phê thật cũng sẽ dậy bọt, nhưng là bọt màu nâu, sau đó tan (vỡ) dần, chỉ còn lại ít bọt li ti trên mặt. Còn nếu cà phê thấy bọt lúc đầu vẫn có màu nâu, nhưng sau đó chuyển sang màu trắng (do màu đen lắng xuống dần), bọt giữ lâu, ít tan thì đó là cà phê đã có chất tạo bọt Sodium lauryl sulfat.
Vị đắng: Cà phê thật có vị đắng rất dễ chịu, và lưu lại rất lâu ở lưỡi sau khi uống – hậu vị tốt. Còn cà phê hóa chất thì có vị đắng gắt, nhưng mau hết – hậu vị kém.
Khi cà phê pha phin, chưa bỏ đường mà đã có vị ngọt, đó là do có caramel. Mà đã có caramel, thì chắc hẳn là có pha đậu nành hoặc bắp rang. Mùi thơm béo thì đó là mùi của bơ tẩm. Hơi mặn thì đó là mùi của nước mắm.
Hiện nay có thể nói đa phần cà phê bột ở Việt Nam, nhất là các quán vỉa hè đều là cà phê bẩn, cà phê giả. Đặc biệt cà phê của một số hãng rang xay khá có tên tuổi, nhưng được bán với giá thành rẻ mạt cũng chứa đầy hóa chất độc hại, có thể gây ung thư, hậu quả của nó đối với xã hội về lâu dài là vô cũng khủng khiếp.
Hoặc người tiêu dùng cũng có thể thực hiện theo cách đơn giản sau: Chuẩn bị 1 cốc nước ở nhiệt độ bình thưởng, lấy 2 muỗng cà phê muốn thử đổ lên mặt cốc nước.
Nếu là cà phê nguyên chất, bột cà phê nổi rất lâu trên mặt nước, phải khoảng sau 10 phút cà phê mới bắt đầu chìm từng ít một. Màu nước trong trước khi cà phê chìm và chuyển thành màu nâu cánh gián trong trẻo sau khi bột cà phê chìm.
Nếu cà phê ít tạp và phẩm màu ở mức độ vừa phải, bột cà phê sẽ chìm từ từ và rơi từng mảng. Màu nước chuyển thành màu nâu đen do các chất tạo màu tan nhanh trong nước
Nếu cà phê nhiều tạp bột cà phê lập tức chìm xuống đáy ly theo từng mảng. Màu nâu đen phai ra trong nước ngay lập tức khi cho cà phê vào cốc nước và ly cà phê hoàn toàn chuyển thành màu đen.
Như vậy, tỷ lệ pha bột càng nhiều, cà phê càng nhanh chìm xuống đáy ly và nước càng nhanh vẩn đục.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]