Những năm gần đây, mặc dù phải chịu khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế chung nhưng du lịch TP.Hồ Chí Minh vẫn có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng với việc thu hút khách quốc tế và doanh thu du lịch đạt tỷ lệ tăng 2 con số.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Hồ Chí Minh, nếu như năm 2006, ngành du lịch Thành phố mới chỉ đón và phục vụ khoảng 2,35 triệu lượt khách quốc tế thì tới năm 2013 con số đã đạt khoảng 4,11 triệu lượt và trong 9 tháng đầu năm 2014, Thành phố đã đón 3,1 triệu lượt khách, đạt 70% kế hoạch năm 2014 (4,4 triệu lượt).
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh, với mức tăng từ 20-30%/năm. Doanh thu du lịch tăng bình quân 27%/năm, với con số 83.191 tỷ đồng, góp 11% vào GDP của Thành phố trong năm 2013; 9 tháng năm 2014, ước đạt 67.388 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm 2014 (94.000 tỷ đồng).
Đạt được kết quả trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh, sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch phát triển ngày càng nhanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; công tác quảng bá xúc tiến được nâng cao gắn với việc phát triển thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hình ảnh điểm đến. Nếu năm 2006, Thành phố mới chỉ có 801 cơ sở lưu trú với 20.982 phòng thì tính tới cuối năm 2013, trên địa bàn Thành phố đã có 1.957 cơ sở lưu trú du lịch với gần 50 nghìn phòng. Trong đó, 1.402 khách sạn với 37.273 phòng từ 1 đến 5 sao, tăng 1.231 khách sạn và 26.245 phòng so với năm 2006; 553 cơ sở lưu trú du lịch với 7.299 phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch. Bên cạnh việc tăng lên về số lượng và chất lượng các cơ sở lưu trú, số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn cũng tăng mạnh, từ 452 doanh nghiệp vào năm 2006 lên 866 doanh nghiệp vào năm 2013, trong đó có 502 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố luôn nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của cả nước.
Hướng tới chất lượng dịch vụ du lịch đạt chuẩn, mang tính chuyên nghiệp nên đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng được ngành du lịch của Thành phố chú trọng. Số lượng hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ tăng nhanh với số lượng tăng gần gấp 4 lần từ 1.236 người vào năm 2006 lên 4.832 người vào năm 2013.
Phát triển đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, ngành du lịch Thành phố đặc biệt chú trọng tới sự hấp dẫn, chất lượng của các sản phẩm du lịch. Thành phố đã xây dựng được một chuỗi sự kiện du lịch có tính định kỳ, hướng đến những đối tượng cụ thể, tạo hiệu ứng quảng bá tốt. Cùng với các sản phẩm du lịch có từ nhiều năm nay, Thành phố luôn thu hút du khách bằng các sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh chuỗi các sự kiện như: đường hoa Nguyễn Huệ, ngày hội du lịch, lễ hội trái cây nam bộ, liên hoan món ngon các nước, hội chợ quốc tế du lịch TP.Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, Thành phố đã phát triển thêm và chuẩn hóa chất lượng các sản phẩm du lịch như chương trình: TP.Hồ Chí Minh-100 điều thú vị, du lịch đường thủy, dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, chương trình khuyến mãi du lịch mua sắm TP.Hồ Chí Minh…
Định hướng phát triển du lịch Thành phố những năm tiếp theo là xây dựng và nâng cao hình ảnh “TP.Hồ Chí Minh -điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá xúc tiến hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch khu vực. Hàng năm, ngành du lịch Thành phố phấn đấu mức đạt tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8% -10%/năm và doanh thu du lịch từ 15-20%/năm. Dự kiến, năm 2015 và những năm tiếp theo khách quốc tế đến Thành phố đạt mức 4,75 triệu lượt và tổng doanh thu du lịch đạt 108.000 tỷ đồng. Phấn đấu lượng khách quốc tế đến Thành phố chiếm tỷ trọng từ 55%-60% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và doanh thu chiếm tỷ trọng từ 45%-50% tổng doanh thu du lịch Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Thành phố đang đặt ra các giải pháp trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn đặc biệt là tập trung phát triển du lịch đường sông, đặc biệt du lịch đường sông nội đô, du lịch sinh thái. Trong công tác quảng bá, xúc tiến cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp. Hạ tầng cơ sở thông tin du lịch Thành phố sẽ được xây dựng chuyên nghiệp để tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức định kỳ sẽ được chú trọng.
Để hoạt động du lịch ngày càng phát huy hiệu quả, công tác quản lý Nhà nước cần được chú trọng, nâng cao năng lực và hiệu lực trong quản lý đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để đầu tư phát triển lĩnh vực này. Tập trung triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nhân lực ngành du lịch, chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề cụ thể./.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]