Chưa nắm được lợi thế
Ông Đặng Trung Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Fiditour cho biết, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: Singapore, Thái Lan, Malaysia… Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển du lịch MICE do có nhiều danh thắng, người dân thân thiện, cởi mở, nhiệt tình và nền ẩm thực phong phú... Bên cạnh đó, vì là một quốc gia đang phát triển với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra hết sức sôi động nên nhu cầu tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, quảng bá sản phẩm, các khóa đào tạo… là rất lớn.
Đoàn khách MICE Châu Á tham quan TP Đà Nẵng.
Thực tế, du lịch MICE tại Việt Nam đã manh nha từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến khoảng năm 2008 - 2009, MICE mới thực sự có cơ hội phát triển. Hiện nay, nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam đang trở thành một trong những lựa chọn không thể thiếu của MICE như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết… Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng du lịch MICE vẫn chưa thể vươn được ra khu vực do thiếu cơ sở hạ tầng. Lượng khách mỗi chuyến du lịch MICE thường rất đông, có khi lên đến vài nghìn người, ngoài hội trường đủ lớn, những yêu cầu về nhà hàng, phương tiện vận chuyển cũng phải đáp ứng cùng một lúc số lượng người đông như vậy. Thế nhưng, chỉ riêng về hội trường, Việt Nam mới chỉ có một vài trung tâm có quy mô khoảng 5.000 người như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn. Các khách sạn 5 sao những năm gần đây mặc dù đã được xây dựng nhiều, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng những sự kiện lớn mang tầm khu vực. Việt Nam cũng thiếu các dịch vụ hỗ trợ phục vụ du lịch MICE. "Ví dụ, ở Nha Trang, ngoài tham gia các hoạt động giải trí ở biển, du khách sẽ không thể tìm thấy khu mua sắm cao cấp hay show biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc nào sau những giờ tham gia hội nghị, hội thảo căng thẳng", bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour chia sẻ.
Không chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia du lịch, du lịch hội nghị là một "miếng bánh lớn" đối với các công ty. Những đơn vị lữ hành lớn có đủ kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế thì sớm hay muộn cũng sẽ tập trung đầu tư loại hình này. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp mặc dù chưa có đủ tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm vẫn đổ xô đầu tư vào MICE làm cho thị trường này trở nên kém chuyên nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín du lịch MICE của Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư phát triển du lịch MICE và điều này gây ra nhiều hậu quả. Chưa có chiến lược đầu tư cụ thể đồng nghĩa với chưa có hành lang pháp lý để bảo đảm phát triển du lịch MICE, chưa có chính sách ưu tiên cũng như kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển dịch vụ hỗ trợ, chưa có chiến lược quảng bá dài hạn và chuyên nghiệp về du lịch MICE. Việc thiếu hành lang pháp lý cũng dễ gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Ông Jacky Han, đại diện Công ty Đầu tư thương mại và Du lịch quốc tế Hòa Bình (Hoabinhtourist & Convention) cho rằng, để phát triển du lịch MICE, trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn. Đặc biệt, cơ quan chức năng nên xác định MICE là một ngành công nghiệp bên cạnh du lịch, đem lại lợi nhuận rất lớn để có sự đầu tư thỏa đáng chứ không phải là một nhánh của du lịch như hiện nay. Theo tính toán của các công ty du lịch thì hiện nay, loại hình du lịch MICE mang lại giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường. Thêm vào đó, vì phát triển chậm hơn so với các nước nên chúng ta phải đi tắt đón đầu, nghĩa là phải có một chiến lược cụ thể, từng giai đoạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực MICE. "Đào tạo không đơn giản chỉ là cử một đoàn đi thực tế, tham gia hội nghị, hội thảo mà phải có những chương trình hành động cụ thể về trao đổi kinh nghiệm, liên doanh, liên kết đào tạo học viên kỹ thuật… với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển", ông Jacky Han bày tỏ.
Theo Hanoimoi
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]