Để đạt được mục tiêu tăng trưởng du lịch, thu hút du khách trong thời kỳ mới, các địa phương miền Trung đang lên kế hoạch hành động với những định hướng cụ thể. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã phỏng vấn đại diện một số địa phương, đơn vị lữ hành xung quanh vấn đề này.Ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An: “Phát triển Hội An theo hướng văn hóa, nghỉ dưỡng và sinh thái”
Chủ trương của chúng tôi là phát triển du lịch phố cổ Hội An theo hướng văn hóa, nghỉ dưỡng và sinh thái, làng nghề nên chính quyền Thành phố đã hạn chế phát triển các điểm giải trí thông thường nhằm tránh phá vỡ không gian văn hóa cũng như chiến lược phát triển chung của Thành phố.
Chúng tôi làm du lịch không rập khuôn theo các địa phương khác mà luôn tạo nên dấu ấn riêng trong lòng du khách mặc dù có một số ý kiến cho rằng Hội An thiếu những điểm giải trí về đêm để thu hút du khách như các cửa hiệu
thời trang hiện đại, vũ trường… Nói như vậy không có nghĩa là Hội An thiếu điểm đến về đêm. Cụ thể như các tiệm buôn bán của người dân địa phương, các khu thương mại, chợ đêm được xem là nơi đến để khách có thể dạo chơi, thưởng ngoạn vẻ bình yên.
Minh chứng cho điều đó là lượng khách du lịch đến Hội An vẫn tăng hằng năm, năm 2014 đã đón 1,7 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, Hội An trở thành một trong những địa phương có lượng khách quốc tế cao nhất trong năm, tăng gần 8% so với năm 2013; đạt tổng doanh thu ngành thương mại, du lịch gần 3.350 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2013. Năm 2015, Hội An phấn đấu sẽ đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan.
Thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền rộng rãi đến các hãng lữ hành, doanh nghiệp, đặc biệt là DN khách sạn để mọi du khách khi đến phố cổ Hội An được tìm hiểu, được tham quan tất cả quần thể di tích, thuyết minh đầy đủ về văn hóa,
lịch sử và con người phố cổ. Mục tiêu của Thành phố là không để khách du lịch đã đến du lịch, mua tour tham quan nhưng không được thuyết minh, giới thiệu đầy đủ về di sản Hội An.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng: Du lịch MICE sẽ trở thành mũi nhọn Để theo kịp hướng chuyển dịch này, nghành du lịch Thành phố đang lên kế hoạch xây dựng các phòng hội họp, các tour tuyến phù hợp để đưa đón khách du lịch, các chương trình phối hợp chuyên sâu để khách đến Đà Nẵng có thể vừa làm việc vừa có điều kiện nghỉ dưỡng tốt hơn.
Dự kiến trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị xây dựng tổ chức trung tâm hội nghị và khách du lịch. Đây là trung tâm chuyên tổng hợp các đơn vị tổ chức hội nghị, thống kê thời lượng, khách cũng như các tour tuyến.
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng đã xây dựng trung tâm hỗ trợ du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, cùng với đó là các quầy hỗ trợ thông tin cho du khách. Khi gặp bất kỳ một vấn đề nào du khách đều có thể liên lạc qua đường dây nóng để được hỗ trợ như
tư vấn về địa điểm du lịch, các vấn đề về an ninh trật tự hay thậm chí như chèo kéo khách du lịch.
Ông Lê Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên-Huế: “Liên kết để cùng nhau phát triển” Các địa phương miền Trung cần tăng cường liên kết để vừa phát triển thế mạnh địa phương, vừa đóng góp tạo nên thương hiệu cho miền Trung. Tuy nhiên, cần có cơ quan đầu mối làm “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động, sự kiện, để tạo nét riêng, không có sự trùng lặp, các địa phương cần có sự luân phiên tổ chức các sự kiện để tạo sức mạnh liên kết, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà cả thể thao, nghệ thuật biểu diễn cũng cần có sự liên kết đó.
Ông Đặng Ngọc Phụng, Tổng Thư ký Hội Lữ hành Đà Nẵng Các địa phương miền Trung đều có những thế mạnh riêng, cần tăng cường liên kết vùng để vừa phát triển thế mạnh địa phương. Những năm gần đây, các địa phương tại miền Trung đã phát huy được hiệu quả từ tính liên kết này.
Năm 2014, Hội Lữ hành Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch và Sở VHTTDL tổ chức hơn 10 chương trình liên kết giữa các địa phương Đà Nẵng với Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, đây là một kênh hiệu quả để quảng bá hình ảnh, sản phẩm và tăng lượng khách của nhau…
Hiện nay, nỗi bức xúc của các công ty lữ hành là thực tế có rất nhiều công ty làm du lịch “chui”, không có giấy phép kinh doanh, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Các công ty làm ăn đàng hoàng thì chịu trách nhiệm về thuế, phí... trong khi các công ty “chui” thì không.
Đối với vấn đề này, mỗi địa phương là cơ quan chủ quản cần phải siết chặt kiểm soát, cần có sự vào cuộc thanh tra kiểm soát chặt chẽ của ngành Du lịch địa phương để hạn chế tình trạng này, tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng.
Hoạt động kích cầu du lịch nên được các địa phương triển khai xuyên suốt cả năm chứ không chỉ mùa thấp điểm. Bằng cách này, các địa phương sẽ tạo ra sản phẩm kích cầu cả năm bằng những sản phẩm khác nhau.
Theo DanViet