Nhà cổ Bình Thuỷ nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, thuộc quận Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 10 km.
Đây là ngôi nhà của gia tộc họ Dương, được xây dựng từ năm 1870. Nhà cổ Bình Thủy có sự kết hợp độc đáo của kiến trúc phương Tây và phương Đông với tuổi đời khoảng 150 năm.
Nét phương Tây của ngôi nhà cổ miền Tây này nằm ở cánh cổng sắt kiểu dinh thự Pháp cũng như hàng gạch bông lát nền nhà, đèn chùm treo, lavabo (bồn rửa mặt), bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV. Mặt bàn cũng làm bằng đá cẩm thạch sắc xanh nhập từ Pháp qua.
Kiến trúc kiểu mái vòm duyên dáng từ nhà cho đến lối vào vườn thật đúng là nét Tây phương thu nhỏ, kết hợp hài hòa với yếu tố Á Đông như mái ngói âm dương kiểu Hoa, với kiểu nhà năm gian hai chái thuần Việt, giữa nhà có bàn thờ tổ tiên được sơn son, thếp vàng, bàn ghế và sập cẩn xà cừ tinh xảo theo chủ đề sông nước miền Tây Nam Bộ.
Giữa trưa nắng chang chang nhưng bước vào nhà cổ Bình Thủy, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì không cần tới máy lạnh mà thoáng mát tự nhiên. Chủ nhân có bí quyết xây nhà bằng cách rải đều dưới nền nhà lớp muối hột dày 10 cm, không dùng xi măng để xây mà dùng keo ô dước. Hệ thống cột trong nhà bằng gỗ lim đen bóng, kết hợp với nhiều trang trí khác bằng gỗ đã mang lại nét “mộc” cho căn nhà, tạo sự mát mẻ và thâm trầm.
Hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà có thú chơi hoa lan, hoa kiểng, cho nên ngôi nhà cổ này cũng có thêm danh hiệu là Vườn lan Bình Thủy.
Đến nhà cổ Bình Thủy ở miền Tây, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác như vị trí trong bữa ăn của một gia đình xưa như thế nào (con trai ngồi bên phải, con gái ngồi bên trái và cha mẹ ngồi giữa mặt hướng ra cửa chính), hòn non bộ vì sao xây trước cửa lớn; làm thế nào để thể hiện được khát vọng của gia chủ về một giang san thái bình, gia đạo an vui, cốt cách hướng thiện…
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước bởi rất có cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy. Đạo diễn người Pháp JJ.Annaud khi đến thăm ngôi nhà đã quyết định chọn nhà cổ Bình Thủy làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng "Người Tình" thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng ở Sa Đéc (ngôi nhà thật sự của nhân vật chính trong phim). Vẻ đẹp của căn nhà đã góp phần nâng giá trị cho bối cảnh trong phim, phù hợp với không gian miền Tây Nam Bộ xưa.
Sau này ngôi nhà cũng trở thành bối cảnh cho nhiều phim của Việt Nam như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời…
Nhà cổ, Vườn lan Bình Thủy cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]