Lên kế hoạch
Lên kế hoạch và nghiên cứu địa hình, thời tiết là điều đầu tiên bạn cần nghĩ tới khi chuẩn bị cho một chuyến đi biển. Biết được các địa danh nổi tiếng tại điểm đến sẽ giúp bạn không quá bỡ ngỡ khi đến nơi.
Đa số du khách đi biển vào mùa hè và đông đúc hơn trong những dịp nghỉ lễ, Tết. Vì vậy, bạn nên liên hệ phương tiện đi lại, mua sẵn vé tàu hoặc xe chất lượng cao cho cả hai chiều đi và về, đặt phòng khách sạn trước 1 tháng hoặc trước 2 tháng nếu quyết định đi trong dịp này. Việc tìm hiểu về thời tiết trước thời gian đi sẽ giúp bạn có phương án mang đồ dùng hợp lý. Các bãi biển miền Trung và miền Nam đều thích hợp để đi du lịch quanh năm, ngoại trừ mùa mưa bão.
Giấy tờ tùy thân
Tiền mặt, thẻ thanh toán nội địa, thẻ quốc tế là những vật dụng không thể thiếu trong chuyến đi. Cần mang chứng minh thư khi đi du lịch trong nước và hộ chiếu, visa nếu đi du lịch biển ở nước ngoài; bản sao danh sách đồ dùng mang theo (để kiểm tra khi mang về, hoặc khai báo khi mất hành lý).
Nếu bạn tự lái xe đi du lịch, luôn cần mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm. Một cuốn sổ tay nhỏ ghi chép những địa chỉ, số điện thoại khẩn cấp luôn cần thiết trong trường hợp cần sự giúp đỡ. Các giấy tờ quan trọng nên được cất gọn gàng trong túi đeo bên người để tiện việc trình báo.
Trang phục
Trong chuyến đi biển, những món đồ dưới đây không thể thiếu được trong vali hành lý của bạn.
Quần - áo - váy - đồ bơi
Đối với du khách nữ, luôn cần chọn cho mình những bộ đồ bơi có kiểu dáng và màu sắc thích hợp nhằm tôn thêm vóc dáng. Trang phục bằng vải voan, lụa, nilon, lanh, cotton... sẽ giúp quần áo khô nhanh sau khi nhúng nước. Váy suông, váy maxi, váy ngắn cũng là lựa chọn số 1, vừa tạo vẻ đẹp nữ tính, vừa giúp bạn thoải mái khi đi dạo trên bãi biển, đi mua sắm, ngắm cảnh.
Phụ kiện: Túi, mũ, kính, giày dép, kem dưỡng da
Kính mát, mũ rộng vành cho nữ và mũ lưỡi trai cho nam là những phụ kiện không thể thiếu khi ra bãi biển vì ngoài tác dụng làm đẹp, nó còn giúp bạn tránh được những tia cực tím gây đen sạm làn da và tổn thương vùng mắt. Giày, dép, nên chọn dép tông, xăng đan, loại dép Crocs hoặc giày bệt không thấm nước, có đế mềm và độ bám tốt hơn dép thường, sẽ giúp bạn thoải mái khi vận động.
Dù nắng nhẹ bạn cũng nên chuẩn bị kem dưỡng da, kem chống nắng với chỉ số SPF trên 50, giúp khôi phục làn da và giữ được độ ẩm cho da. Nếu dùng kem chống nắng tức thời, bạn nên thoa kem từ 30 đến 45 phút trước khi ra nắng. Lưu ý thường xuyên thoa kem vào những vùng tiếp xúc trực tiếp với nắng sau 1-2 giờ. Hãy sử dụng loại kem chịu nước để nước biển không đánh trôi lớp kem của bạn.
Ẩm thực
Trong chuyến du lịch biển, du khách thường tìm đến thưởng thức đặc sản địa phương, đặc biệt là hải sản. Tuy nhiên, đối với một số người có cơ địa dị ứng với món ăn này cần lưu ý trước khi ăn hoặc mang sẵn thuốc chống dị ứng để phòng ngừa. Các loại hải sản thường gây dị ứng nhất là tôm càng, tôm hùm, ghẹ, cá đuối, cá ngừ, ốc giác… Khi ăn hải sản, nên chọn những món ăn được chế biến kỹ lưỡng, hạn chế ăn gỏi sống từ hải sản, không ăn cùng thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh dễ gây ngộ độc, hạn chế uống bia, ăn trái cây cùng hải sản.
Bên cạnh đó, cần mang theo bánh ngọt, trái cây, đồ ăn nhẹ sau khi bơi hay đi bộ, chạy nhảy bởi hoạt động liên tục sẽ làm tiêu hao nhiều năng lượng. Đối với những du khách có tiền sử bệnh tiểu đường cần mang theo đồ ăn riêng.
Nước luôn cần thiết trong mọi chuyến du lịch đặc biệt là khi bạn hoạt động nhiều ngoài trời nắng, nóng. Một số loại trái cây giải khát tuyệt vời như nước chanh, dưa hấu, lê, dứa... cũng có tác dụng cân bằng lượng nước cho cơ thể. Các thực phẩm giàu vitamin C, E và kẽm, thực phẩm chứa hợp chất chống oxy hóa cũng giúp ngăn cản sự cháy nắng cho làn da.
Những điều nên và không nên khi tắm biển
Nên: Khởi động trước khi tắm và không xuống tắm nếu nhiệt độ dưới 18 độ C. Xuống nước từ từ, lần xuống nước đầu tiên không quá 15 phút. Để đảm bảo an toàn, không bơi xa quá bờ 15m hoặc ở khu vực sâu quá 5m, tránh những vùng có nước xoáy và luôn để ý đến cờ báo giới hạn bơi trên biển.
Tại các bãi biển mới lạ thì sứa độc và các dòng chảy ngược ra khơi là hai mối đe đọa hàng đầu đối với du khách. Nếu trong vùng biển nghỉ mát có sứa độc thì du khách nên mặc đồ bơi loại kín hết người và mang theo giấm để nếu bị sứa chích thì bôi ngay lên vết thương. Các đợt sóng biển có thể vô tình để lại những lỗ hổng dưới mặt nước, những con sữa, hàu cứa vào chân làm bạn mất tự chủ, hoảng hốt… Bạn có thể hỏi người dân địa phương những lưu ý về bãi biển trước khi quyết định xuống tắm và nên chọn những bãi biển được cho là an toàn, sạch sẽ, được qui hoạch và nước biển dòng chảy ổn định hơn.
Không nên: Không nên đi tắm biển một mình và bơi quá xa bờ. Không được bơi gần các bến bãi của tàu bè. Những nơi này thường sâu, sóng nước không ổn định, bạn có thể bị cuốn vào các động cơ tàu bè bất kỳ lúc nào.
Không nên lại gần các cầu cảng, tảng đá, cọc đóng trên biển vì có rất nhiều động vật thâm mềm sắc nhọn ký sinh trên đó. Khi tắm biển, đặc biệt là chơi đùa trước sóng, không nên quay lưng ra phía đại dương vì không thể kiểm soát được những nguy hiểm sẽ xảy ra. Không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước. Đừng để bụng quá đói hoặc quá no. Không nín thở quá lâu khi lặn.
Chú ý lên bờ ngay khi thấy các triệu chứng sau: Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy, bị chuột rút. Có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.
Cẩn thận với dòng chảy xa bờ: Dòng chảy xa bờ là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Thường nơi có dòng chảy xa bờ là vùng nước lặng, hầu như không có sóng, thường có màu sậm hơn vì nước sâu hơn; mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn; đôi khi du khách có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy ngược và trôi ra biển.
Dòng chảy ngược là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển bởi nó sẽ kéo người ra xa bờ, làm cho họ kiệt sức hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy. Vì vậy trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để quan sát mặt biển. Nếu bị rơi vào dòng chảy ngược, điều quan trọng đầu tiên là phải bình tĩnh, không cố bơi ngược dòng chảy. Nếu biết bơi và tự tin, du khách hãy bơi song song với bờ biển, thường dòng chảy sẽ hướng đến chỗ có sóng đánh vào bờ và khi đó du khách có thể bơi vào bờ. Đối với người bơi yếu, khi cảm thấy chân không thể chạm đáy hoặc thấy đuối sức thì hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
An toàn cho trẻ nhỏ
Trẻ em luôn phấn khởi, hào hứng với những chuyến đi biển và thường xuyên mải mê nghịch cát, nước đến quên thời gian. Do đó các bậc cha mẹ cần lưu ý theo sát và đảm bảo trẻ chỉ được bơi trong vùng an toàn, thường có cắm cờ báo hiệu. Nên theo sát khi trẻ chơi đùa với sóng biển. Cha mẹ nên mặc đồ bơi kín đáo cho trẻ và không nên cho trẻ tắm biển quá 2 tiếng, sẽ dễ bị nhiễm lạnh. Khi lên bờ không để trẻ mặc đồ ướt dòng chơi trên cát mà nên lau khô người và thay đồ mới.
Để phòng say nắng, say nóng, cần đội mũ cho trẻ khi đi ra nắng, mặc quần áo thoáng mát, che được toàn cơ thể. Tuyệt đối không cho trẻ tắm biển giữa trưa, chơi trên cát vào những thời điểm nắng gắt trong ngày từ 11h đến 15h. Cần uống nước liên tục dù không thấy khát. Bạn hãy nhớ thoa kem chống nắng cho trẻ 20 phút trước khi cho trẻ xuống nước, thoa nhắc lại sau mỗi 2 tiếng và sau khi tắm.
Những mảnh vỡ, hay rác là không thể tránh khỏi trên bãi biển. Hãy dặn trẻ khi chơi đùa trên cát, những mảnh vỡ từ chai, lọ sẽ làm trầy xát, chảy máu bàn chân của trẻ.
Các trò chơi trên biển
Không chỉ thỏa mãn nô đùa với sóng biển, bạn còn được trải nghiệm những điều thú vị, mạo hiểm khi tham gia các trò chơi trên biển như dù bay, lặn biển, mô tô nước. Trong trò chơi dù bay, bạn sẽ được bảo vệ bởi các dây khóa ngang bụng và hông, bạn sẽ được treo lơ lửng ở độ cao 70 – 100m, thỏa sức ngắm nhìn cả vùng biển rộng lớn. Khi chơi, bạn cần lưu ý chạy đều theo vận tốc canô cho đến khi chân chạm nước.
Đối với môtô nước, bạn sẽ được thỏa sức vít ga và phóng thoải mái trên mặt biển như một tay đua chuyên nghiệp. Khi chơi trò này, quan trọng nhất là bạn phải làm chủ được tốc độ và giữ vững tay lái khi gặp những con sóng, nên chạy dưới 60km/h xuôi theo chiều sóng để tránh bị nước táp vào mặt, cản tầm nhìn.
Lướt ván dường như phổ biến hơn tại các bãi biển nước ngoài và có sức thu hút đặc biệt với những du khách ưa thích mạo hiểm, muốn tìm cảm giác mạnh. Còn với bãi biển trong nước, lướt ván buồm và lướt ván dù phổ biến tại Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, chủ yếu dành cho giới thượng lưu bởi chi phí để sở hữu một chiếc ván lướt hay thuê hướng dẫn tập là khá lớn.
Lặn biển rất được du khách ưa chuộng khi đến với những vùng có san hô như Nha Trang, Cù lao Chàm,…để lặn và ngắm thế giới dưới biển, những rặng san hô và hệ thống động, thực vật phong phú đầy màu sắc. Khi tham gia, bên cạnh những đồ nghề được trang bị chuyên nghiệp, bạn cần trao đổi thật kỹ với người hướng dẫn và nắm rõ các kỹ năng, thủ thuật cần thiết để giảm tối đa cảm giác ù tai, khó thở khi lặn ở độ sâu dao động từ 6-20m.
Chèo thuyền kayak tưởng chừng không nhiều thử thách như các trò chơi mạo hiểm trên, song bạn vẫn cần chú ý những kỹ năng cơ bản, đặc biệt là giữ thăng bằng và xử lý tình huống linh hoạt. Vịnh Hạ Long là một trong những điểm du lịch nổi tiếng cung cấp dịch vụ chèo thuyền kayak bên cạnh các điểm du lịch Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc.
Cùng với những trò chơi mạo hiểm, bạn có thể lên danh sách các hoạt động tập thể, teambuilding để mọi thành viên trong đoàn cùng tham gia như cắm trại, dùng tiệc BBQ, đốt lửa trại… Tại một số vùng biển như Cát Bà, Hạ Long, Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, bạn còn có thể cùng ngư dân đi câu mực đêm và thưởng thức món mực nướng tại chỗ thơm lừng hương vị biển.
Theo Vntravellive
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]