Lý do chính: Để du khách không có cơ hội tiêu tiền và dành tiền cho các điểm bán hàng “chỉ phục vụ khách Trung Quốc”. Trong khi đó, chính sách bất cập đã giúp các công ty lữ hành ngoại tỉnh chiếm tới 90% thị phần tour “0 đồng” tại Quảng Ninh.
Càng xa trung tâm càng tốt
Theo ông N.V.T - chủ một khách sạn 2 sao tại trung tâm Bãi Cháy, TP.Hạ Long - gần đây khách sạn của ông và nhiều khách sạn ở trung tâm Bãi Cháy đón rất ít khách Trung Quốc tour “0 đồng” so với trước đây. “May chăng vài tuần mới được một ít khách, có thể do các khách sạn mà các công ty lữ hành bố trí cho khách Trung Quốc đã kín phòng” - ông N.V.T cho biết.
Giám đốc một công ty du lịch tại Quảng Ninh cho biết, không phải do lượng khách tour “0 đồng” giảm (hiện trung bình vẫn khoảng vài nghìn khách/ngày), mà đây là chiêu trò mới của các đối tác hai nước.
“Tour “0 đồng” sống nhờ vào các điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc. Vì thế, phải “nhốt” khách ở các nhà nghỉ, khách sạn rẻ tiền ở xa trung tâm - nơi không có cửa hàng, cửa hiệu gì, để tối đến du khách không đi lang thang, mua sắm được và dành tiền đó mua sắm tại các điểm bán hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc” - vị giám đốc này chia sẻ.
Thời gian gần đây, một số nhà nghỉ bình dân nằm sâu trong Cao Xanh, TP.Hạ Long bỗng dưng khá nhiều khách Trung Quốc. Xe đưa họ đến vào chiều tối muộn, nhưng khoảng 6h sáng đã ra khỏi nhà nghỉ, để bắt đầu một ngày rong ruổi qua không biết bao điểm bán hàng, với số tiền đã được những người điều hành tour “giúp” giữ trong túi khách suốt đêm qua.
Thậm chí, nhiều khách còn được bố trí ở các nhà nghỉ, khách sạn tận Vân Đồn hoặc các xã, phường xa trung tâm ở TP.Cẩm Phả, Uông Bí… Vì thế, tại mỗi điểm dừng chân, khách cũng chỉ biết… ngủ và ngủ vì cũng chẳng biết đi đâu. Trước đây, dù được ở khách sạn trung tâm Hạ Long, nhưng nhiều du khách cũng không dám ra ngoài do bị dọa không an toàn, mà thực chất cũng là chiêu giữ tiền để du khách tiêu xài ở các điểm bán hàng.
Việc bố trí cho du khách ở xa trung tâm còn giúp giảm giá thành tour và thậm chí giúp các công ty lữ hành trốn luôn thuế. “Những khách sạn, nhà nghỉ bình dân thường được ấn định số thuế phải nộp theo tháng, nên khách ở bao nhiêu, như thế nào cũng chẳng cần phải ghi hóa đơn đỏ. Đây là kẽ hở để trốn thuế” - giám đốc một khách sạn 4 sao tại Bãi Cháy đề nghị giấu tên cho biết.
Công ty ngoại tỉnh áp đảo thị trường
Nếu như năm 2016, các công ty lữ hành của Quảng Ninh đón trên 345.000 khách, công ty ngoại tỉnh đón gần 110.000 khách thì năm 2017, các công ty ngoại tỉnh đón gần 300.000 khách trong khi các công ty trong tỉnh đón 227.000 khách. 3 tháng đầu năm nay cán cân lệch hẳn: Các công ty ngoại tỉnh đón trên 191.000 khách trong khi các công ty trong tỉnh chỉ đón được hơn 32.000 khách.
Kết quả này là do, trong khi các công ty lữ hành Quảng Ninh bị áp mức giá tour tối thiểu để tính thuế (1,4 triệu đồng/tour), phải bán tour trọn gói cho du khách (theo Quyết định 3468 năm 2015) thì các công ty ngoại tỉnh không bị ràng buộc những điều kiện trên. Để tạo sự công bằng và quản lý tốt hơn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành và cả Chính phủ cho phép được áp dụng quy chế đặc thù đối với riêng dòng khách này. Theo đó, các công ty lữ hành ngoại tỉnh, ngoài bị áp giá tour tối thiểu, tour trọn gói, thì phải đặt chi nhánh, khai báo, nộp thuế tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất trên vẫn chưa được chấp nhận.
Chính vì thế, các công ty ngoại tỉnh ngày càng chiếm thị phần lớn, mà thực tế vẫn do những bộ mặt quen thuộc ở Quảng Ninh điều hành thông qua việc mượn danh công ty ngoại tỉnh để đón khách, nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Trong danh sách trên 50 công ty lữ hành ngoại tỉnh tham gia đón khách từ năm 2016 đến nay, có rất nhiều công ty mà các cơ quan chức năng không tìm thấy mã số thuế, giấy phép lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng không xử được vì các công ty đó nằm ngoài tỉnh.
Trong khi đó, các công ty trong tỉnh cứ teo tóp dần bởi cuộc cạnh tranh không cân sức do Quyết định 3486 vô tình nâng đỡ các công ty ngoại tỉnh.
Theo ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc công ty TNHH MTV DLDV Hữu Nghị - Quyết định 3486 rất tốt để quản lý thị trường. Tuy nhiên, các công ty ngoại tỉnh không thực hiện cũng chẳng sao vì Luật Du lịch không bắt buộc. Vì thế, các doanh nghiệp trong tỉnh rất khó khăn.
“Chẳng hạn, nhiều khi khách tự đi ăn bên ngoài để thay đổi không khí, trải nghiệm, nhưng do bị áp tour trọn gói nên chúng tôi phải xoay xở hóa đơn cho những bữa ăn đó để đầy đủ chứng từ.
Sở Tài chính quy định giá mỗi bữa ăn tối thiểu 100.000 đồng/khách, nhưng có nhiều khách chỉ ăn suất 50.000 - 70.000 đồng, nhưng vẫn phải làm thế nào để sổ sách đúng với giá Sở Tài chính quy định” - ông Đức chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh - nếu không xin được quy chế đặc thù thì các công ty lữ hành Quảng Ninh sẽ không còn “đất” để hoạt động và thị phần hoàn toàn thuộc về các công ty ngoại tỉnh nhưng lại không có giải pháp quản lý.