Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội) cho rằng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã có câu rằng “cha nào con nấy; mẹ nào con nấy”. Qua câu nói này, chúng ta có thể nhìn và nghĩ về nhiều khía cạnh của một con người như hình dáng, vóc dáng, tính nết, nếp ăn ở, đi đứng, thói quen… của người con giống cha mẹ.
Bên cạnh đó, câu nói “mẹ nào con nấy” cũng hàm ý muốn nói lên cách dạy con của người mẹ ra sao. Mỗi hành động, cử chỉ của trẻ như thế nào thường là từ bố mẹ.
Trong gia đình, con cái ảnh hưởng phần lớn từ người mẹ, từ cách ăn mặc, phục sức cho tới nói năng, tính cách và nhân phẩm.
Và nếu ai chưa tin có thể quan sát cuộc sống xung quanh mình thì sẽ rõ. Một bà mẹ nhỏ nhẹ, dịu dàng thì những đứa con sẽ lễ độ, khiêm tốn, dễ gần. Người nào xô bồ, bỗ bã và ăn uống nhồm nhoàm, tính khí nóng nảy sẽ khó mà dạy được con hai chữ từ tốn.
"Mẹ nào con nấy" không chỉ nói về hình dáng bên ngoài mà còn nói lên những tính cách, hành động giống nhau của mẹ và con. Ảnh minh họa
Người mẹ dạy con không chỉ dùng lời nói mà còn ở cử chỉ, hành động. Nhất là khi các em còn nhỏ mới bắt đầu tập nói, ở mẫu giáo, tiểu học, trẻ thường bắt chước những lời nói, hành động hàng ngày của cha mẹ, người lớn.
Chẳng hạn, con bắt đầu biết nói nếu mẹ trả lời con “dạ” thì khi mình gọi chúng sẽ trả lời “dạ”; còn nếu nói “cái gì đấy, mẹ còn đang làm việc” thì khi mình gọi chúng, chúng sẽ nói “cái gì đấy, con còn đang chơi”. Những lời nói, cử chỉ hành động sẽ in hình vào não những gì chúng tiếp xúc hàng ngày.
Bởi vậy, việc giáo dục con cái thì cha mẹ cần phải gương mẫu chứ không phải nói một kiểu làm một kiểu, bảo con ngoan, ngồi ăn phải từ tốn nhưng khi mình ăn thì nhồm nhoàm, nói bậy… Lớn lên con sẽ theo tính cách đó.
“Có một gia đình có 3 thế hệ sống với nhau là ông, bố và con. Khi ông già không tự vệ sinh được, bố bảo con đi mua giường về lắp lại kê ra hành lang cho ông ra ngoài đó nằm để đỡ hôi hám. Con làm theo lời bố. Đến khi ông chết rồi, người bố bảo vứt giường đi thì người con bảo xin bố cho cất chiếc giường đi vì cần dùng. Ông bố quát mắng thì người con bảo khi nào bố già như ông con cũng để cho bố nằm như vậy. Đây chính là hệ quả của “cha nào con ấy”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất kể.
Các chuyên gia tâm lý cũng lý giải rằng, câu nói “mẹ nào con nấy” cũng thể hiện rõ từ thời gian người mẹ mang thai. Không chỉ dinh dưỡng của mẹ quan trọng đến trẻ mà thói quen, tính cách khi mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của trẻ sau này.
Trong 9 tháng thai kỳ, nếu mẹ bầu nóng giận quá mức, lo lắng và rối loạn tâm lý cao sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên trong cơ thể khi đang nuôi bé. Tính cách của bé khi sinh ra cũng dễ nóng giận, cáu gắt và dễ xúc động hơn đứa trẻ bình thường. Để cải thiện vấn đề này, mẹ bầu cần chuẩn bị thật tốt tinh thần cho thời kì mang thai. Đồng thời tạo tâm lý thoải mái, người mẹ nên tham gia các hoạt động như đọc sách, tập yoga, thư giãn bằng nhạc, trò chơi giải trí hoặc có thể nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý trong thời kì mang bầu.
Hay thói quen ăn uống của mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến chế độ ăn uống của bé sau này. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến trẻ trong việc ăn uống như do di truyền, có người khó tiêu hóa thức ăn nên biếng ăn. Hơn nữa do môi trường, trong một gia đình mà mẹ có “tâm hồn ăn uống” thì con cũng ăn dễ dàng hơn. Người mẹ thích ăn uống sẽ chịu khó nấu nướng món ngon để cả nhà cùng ăn.
Ngược lại, mẹ lười ăn sẽ lười nấu hoặc chỉ nấu một số món dẫn đến chế độ ăn uống đơn điệu. Con thấy cha mẹ của mình hầu như không bao giờ ăn đủ ba bữa mỗi ngày hoặc vừa ăn vừa mải xem ti vi, đọc báo trước mặt con rồi “kén cá chọn canh” không ăn món này, thậm chí bỏ bữa thì chắc chắn đứa trẻ cũng không có được thói quen ăn uống lành mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]