Mức độ hạnh phúc tại các quốc gia đang phát triển nhanh như Indonesia, Trung Quốc và Malaysia đang rút dần khoảng cách với các nước phát triển như Mỹ, Đức và Anh, những quốc gia giàu có từ lâu luôn đứng đầu các bảng xếp hạng về mức độ hạnh phúc, theo khảo sát toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hôm nay, 31/10.
Kết quả khảo sát cho thấy thu nhập tăng gắn liền với mức độ hài lòng cá nhân.
Một phụ nữ Trung Quốc cười hạnh phúc trong lúc khiêu vũ với một người đàn ông ở công viên Ritan, Bắc Kinh vào ngày 30/10.
Cuộc thăm dò dư luận ở 43 quốc gia đánh giá người tham gia vào "những thang bậc cuộc sống", với nấc cao nhất đại diện cho cuộc sống tốt nhất và nấc dưới cùng đại diện cho cuộc sống tồi tệ nhất. Pew đã thực hiện cuộc khảo sát này vào năm 2002 và 2005 ở hầu hết các quốc gia này, cho phép các nhà nghiên cứu tìm ra xu hướng chung theo thời gian.
Tuy nhiên, số liệu này cũng cho thấy có giới hạn về việc tiền bạc có thể mua được bao nhiêu phần trăm hạnh phúc. Ví dụ, 56% người Malaysia đánh giá cuộc sống của họ ở mức 7 hoặc cao hơn trong thang bậc, cao hơn 36% ở Bangladesh, một quốc gia nghèo. Trong khi người dân ở Đức, quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều Malaysia, 60% thể hiện sự hài lòng với cuộc sống ở mức độ tương tự, chỉ hơn Malaysia 4 điểm.
Trong khi sự giàu có dường như góp phần mang đến hạnh phúc, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đây không phải là nhân tố duy nhất. Ví dụ, phụ nữ có xu hướng hạnh phúc hơn đàn ông, người trung niên hoặc chưa kết hôn có xu hướng ít hạnh phúc hơn người trẻ tuổi và đã kết hôn.
Kết quả khảo sát của Pew dựa trên 47.643 cuộc phỏng vấn người trưởng thành trên 18 tuổi ở 43 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6, cũng phát hiện ra rằng người dân ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ưu tiên một vài nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bao gồm sức khỏe, giáo dục cho con em và mức độ an toàn trước tội phạm. Một số khác cho hay sự tiếp cận internet, sở hữu xe ô tô, thời gian rảnh và khả năng đi du lịch rất quan trọng trong cuộc sống của họ.
Bé gái vui mừng chạy về phía các thành viên gia đình đến đón ở sân bay quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 30/10.
Cuộc khảo sát cho thấy mức độ hài lòng cá nhân đáng kể ở Indonesia, nơi 58% những người tham gia phỏng vấn đặt bản thân ở mức 7 trong thang bậc cuộc sống hoặc hơn, cao hơn năm 2007 là 23%. Và ở Malaysia, 56% đặt bản thân ở cùng cấp độ đó, so với 36% trong kết quả 7 năm trước. Tại Việt Nam, 64% người tham gia khảo sát cho biết họ ở mức 7 hoặc hơn.
Sau khi kết quả khảo sát được công bố, tờ AP cũng phỏng vấn một số người ở 3 quốc gia này về suy nghĩ của họ đối với kết quả nghiên cứu trên.
Việt Nam
"Tiền không thể đảm bảo hạnh phúc", cô Nguyễn Thị Mai, 66 tuổi, một giáo viên về hưu nói khi đang ngồi thư giãn trên chiếc ghế đá và ngắm hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội. "Có những người không có tiền nhưng họ vẫn có cuộc sống hạnh phúc bởi các thành viên trong gia đình yêu quý và tôn trọng nhau. Nhưng cũng có những gia đình giàu có mà vợ chồng vẫn thường xuyên cãi cọ, còn con cái thì nghiện ngập".
Những nụ cười sảng khoái ở câu lạc bộ yaga cười tại Hà Nội.
Nguyễn Phương Linh, một sinh viên mới tốt nghiệp đang phát tờ rơi cho người qua đường bên ngoài một siêu thị ở Hà Nội, nơi cô làm việc, thì chia sẻ: "Tôi không bị áp lực nhiều về việc kiếm sống như những người khác vì bố mẹ tôi có thể chi trả cho chi phí cuộc sống của tôi nếu tôi không làm việc. Nhưng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu tôi có một công việc với mức lương cao".
Malaysia
"Tiền bạc có thể mua nhiều hạnh phúc cho tôi vì tôi là người thực dụng", Tony Wong, một doanh nhân cho hay. "Tuy nhiên đó không phải là điều duy nhất khiến tôi hạnh phúc. Tiền bạc là số 1 trong danh sách top 5 của tôi, sau đó là đến sức khỏe, gia đình, chó cưng và bạn bè".
Rusmaini Jusoh, một bà nội trợ 3 con ở Malaysia, kể rằng cô thường cãi nhau với người chồng làm tài xế xe tải vì vấn đề tiền bạc. Nhưng mọi việc bắt đầu cải thiện sau khi cô bắt đầu công việc kinh doanh nhỏ trên mạng để bán đồ trẻ em second-hand.
"Với nhiều tiền hơn, chúng tôi có thể đưa lũ trẻ đi nghỉ hoặc mua cho chúng thứ chúng thích, chúng tôi phải cảm ơn vì điều mà mình đang có. Những thứ đó chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng tôi", cô nói.
Indonesia
"Tất nhiên nếu không có tiền bạn không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình, nhưng tiền không phải là tất cả", Irwan Yahya, một kỹ sư cơ khí 45 tuổi ở Jakarta, người điều hành công ty riêng của mình, nói. "Nếu không thì hạnh phúc chỉ thuộc về người giàu".
Daisy Daryanti, một bà nội trợ 50 tuổi người Indonesia, cho hay tiền có thể mua hạnh phúc nhưng chỉ là trong thời điểm nào đó. "Hạnh phúc là tương đối, không chỉ đơn tuần là về tiền bạc mà còn là sự thanh thản và yên bình", cô nói.
Theo Maskonline
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]