Khi mọi người vẫn còn đang nói về thế hệ Y (hay còn được gọi là thế hệ Millenials; sinh từ năm 1981 tới 1996), thế hệ Z (sinh từ 1997-2015) và những tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi lực lượng lao động trong tương lai thì một thế hệ mới đang âm thầm bước vào thời kì "chạy đà". Đây được coi là thế hệ thừa kế những "di sản" của thế hệ Z để rồi tạo ra những điều bất ngờ nhất trong lịch sử.
Được đặt tên bởi nhà nghiên cứu xã hội người Úc Mark McCrindle, thế hệ Alpha bao gồm những đứa trẻ sinh từ năm 2010 đến năm 2024. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21. Đồng thời được dự đoán là thế hệ hứa hẹn sẽ nắm quyền lực rất lớn trong tay bởi được nuôi dưỡng trong một thời kì hoàn toàn mới - "thế hệ được giáo dục bài bản nhất dưới sự trợ giúp đắc lực của nền công nghệ hiện đại và là thế hệ giàu có nhất từ trước đến nay." – tờ New York Times trích lời của McCrindle.
Thế hệ Alpha đã và đang trưởng thành trong thời kỳ phát triển công nghệ chưa từng có. Đây chính là những đứa trẻ được chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo.
Theo một báo cáo năm 2018 từ Hotwire - một Công ty tiếp thị toàn cầu, những đứa trẻ sinh ra ở thế hệ Alpha sẽ có kỹ năng công nghệ vượt qua cả cha mẹ của chúng ngay khi ở độ tuổi lên 8. Sau đó, khoảng cách này sẽ ngày càng trở nên rõ nét khi chúng lớn dần lên.
Những đứa trẻ Alpha lớn lên với iPad, không thể sống thiếu điện thoại thông minh và có thể truyền tải suy nghĩ trực tuyến chỉ trong vài giây.
Những thay đổi khủng khiếp về công nghệ cùng nhiều tác động khác khiến gen-Alpha trở thành thế hệ có nhiều biến đổi nhất trong lịch sử.
Trong quá khứ, mỗi cá nhân thường không có được sức mạnh thực sự. Tuy nhiên hiện nay mọi thứ đã thay đổi. Mỗi người đều có khả năng kiểm soát cuộc sống của họ. Công nghệ – bằng một cách nào đó đã thay đổi mong đợi của chúng ta về sự tương tác. Gen-Alpha không nghĩ công nghệ là một công cụ. Nó tồn tại như một thể thống nhất trong cuộc sống của họ.
Gen Alpha được biết đến là thế hệ tiếp xúc với trí tuệ nhân tạo AI sớm nhất khi từ những năm đầu đời đã hiểu về Siri (Apple), trợ lí Google (Google), Alexa (Amazon)… Thế hệ này tương tác với trí tuệ nhân tạo như những người bạn. Vì thế, một trong những giá trị cốt lõi đầu tiên của thế hệ này chính là khả năng "suy nghĩ công nghệ hóa" các vấn đề. Công nghệ không còn là thứ "đồ chơi xao lãng" mà đã trở thành cách sống, cách học hỏi và kết nối cho thế hệ Alpha.
Alina Redkina - một nhà thiết kế tại Công ty sáng tạo Kworq (trụ sở tại Soho, thành phố New York, Hoa Kỳ), nhấn mạnh rằng trong một thế giới mà mọi thứ đều đã có thể nằm trong kiểm soát thì thách thức lớn chính là làm sao để thu hút được sự chú ý của nhóm đối tượng này.
Và cũng theo Redkina, cách tốt nhất để làm điều đó chính là thiết lập sự kết nối một cách chậm rãi, an toàn nhưng chắc chắn.
"Không phô trương nhưng phải khơi gợi được sự tò mò của nhóm đối tượng này. Nói cách khác, niềm tin phải được xây dựng theo thời gian và bằng một cách tự nhiên, dần dần ăn sâu vào tiềm thức." – Redkina nói.
Điều này đã được công nhận sau một nghiên cứu thử nghiệm vào năm 2017 của MIT Media Lab, trong đó các nhà nghiên cứu đã theo dõi 26 trẻ em (độ tuổi từ 4-10 tuổi) trong lúc chúng trải nghiệm internet và trí tuệ nhân tạo AI bao gồm: Alexa, Google Home, robot thú cưng Cozmo (thú cưng siêu trí tuệ nhân tạo) và Julie Chatbot. Theo đó họ đã theo dõi sát sao những phản ứng của các đứa trẻ này.
Những gì họ phát hiện ra là đa phần trẻ em đều cảm thấy trí tuệ nhân tạo là những điều thân thiện, đáng tin cậy và vô cùng thông minh.
Theo nghiên cứu "Understanding Generation Alpha" (tạm dịch là: Hiểu về thế hệ Alpha) vào năm 2018 tại Mỹ, 81% trẻ em sinh ra thế hệ này ảnh hưởng đến thói quen sử dụng đồ công nghệ của bố mẹ; 27% các bậc phụ huynh phải hỏi ý kiến của con mình trước khi mua đồ điện tử (như TV, máy tính bảng, điện thoại, laptop…). Điều này dẫn đến hệ quả mới mà trước đây chưa từng có thế hệ nào phổ biến: suy nghĩ và lời nói của thế hệ Alpha được xem trọng nhiều hơn trong những quyết định gia đình cho dù chúng đang còn rất nhỏ tuổi (tính đến thời điểm hiện tại).
Đây là một trong những lý do mà Hotwire khuyến khích các thương hiệu không nên tập trung quá nhiều vào việc tìm cách thu hút trẻ em mà thay vào đó là cố gắng làm cho các sản phẩm hiện có của họ thân thiện hơn với gia đình cùng các tính năng an toàn để có thể mở rộng hơn nữa.
Những đứa trẻ Alpha tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm (Ảnh minh họa).
Ví dụ: Một thiết bị đeo tay để theo dõi thể dục mới của Fitbit dành cho trẻ em từ 8-13 tuổi là cùng một sản phẩm, nhưng khi có thêm sự kiểm soát của phụ huynh thì mọi thứ sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt. Bởi ngẫu nhiên, thiết bị đeo tay này cũng sẽ trở thành mối quan tâm lớn của các bậc cha mẹ ở thế hệ Y và thế hệ Alpha. Theo đó, 70% cha mẹ ở Hoa Kỳ tin rằng thời gian sử dụng thiết bị này sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng, 48% khác lo lắng về cường độ luyện tập thể dục của con họ.
Emma Scott, Giám đốc điều hành tại Beano Studios (Vương Quốc Anh) khẳng định: "Gen Alpha chính là thế hệ sẽ tìm cách "uốn cong" thế giới kỹ thuật số với nhu cầu và tham vọng của họ. Thế hệ này sẽ gạt bỏ những khuôn mẫu nhất định về thế giới quan hiện tại của chúng ta và thay đổi diện mạo của hành tinh chúng ta theo nghĩa đen."
Phương thức giao tiếp, kết nối của gen-Alpha hoàn toàn khác.
Những đứa trẻ Alpha sống trong một môi trường tương lai chỉ toàn những cá nhân xuất sắc. Vì cha mẹ thế hệ này đầu tư vào giáo dục nhiều hơn ở độ tuổi sớm hơn nên dự đoán có 50% dân số thế hệ Alpha sẽ tốt nghiệp đại học, 90% hoàn thành giáo dục phổ thông (so với 79,9% thế hệ Z hiện tại). Ngoài ra, dự đoán có đến 65% thế hệ Alpha sẽ tham gia vào các công việc mà hiện tại chưa xuất hiện như robot, mã hóa, social marketting, big data, thực tế ảo, công nghệ nano... Họ sẽ là những người luôn phải rèn luyện và học hỏi để thích nghi kịp với môi trường và đảm nhiệm nhiều công việc trong nhiều ngành nghề.
Tư duy phản biện là 1 trong 4 kỹ năng cực kì cần thiết (Ảnh minh họa).
Vậy làm thế nào để những đứa trẻ Alpha có thể sống sót trong môi trường toàn người giỏi như vậy? Theo bài viết "What kids need to learn to succeed in 2050" (Trẻ cần học gì để trở nên thành công vào năm 2050), các chuyên gia sư phạm đã nghiên cứu và cho rằng gen-Alpha cần có "The Four Cs" - 4 kỹ năng bao gồm: Sáng tạo (Creative), Tư duy phản biện (Critical thinking), Giao tiếp (Communication) và Hợp tác (Collaboration). Đặc biệt hơn trong kĩ năng Sáng tạo, trẻ không chỉ học kĩ năng tạo ra cái mới mà còn phải học cách Tái tạo (Re-creative) lại thế giới qua những định nghĩa cũ.
Đây là bốn kĩ năng cốt lõi giúp những đứa trẻ trụ vững trước những thay đổi không đoán trước của tương lai, giữ sự tò mò để học những điều mới và đặc biệt là duy trì sự cân bằng trong tâm thức trước những ngoại cảnh thay đổi khó lường.
Theo chuyên gia dự đoán tương lai, nhà nhân khẩu học và nhà diễn thuyết Mark McCrindle, có khoảng 2,5 triệu trẻ em thuộc thế hệ Alpha được sinh ra trên khắp thế giới mỗi tuần. Thế hệ này cũng dự kiến đạt mức 2 tỉ người vào năm 2025.
Nguồn: Ceros, Digiday, Metro News
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]