Trong khoảng thời gian mà thị trường biến động do nhiều cú sốc kinh tế ập đến bất ngờ thì tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett vẫn kiếm được 5 tỷ USD trong quý II vừa qua. Kết quả này không hẳn là điều bất ngờ. Nhưng câu chuyện vực dậy một công ty từ thua lỗ để trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới của Buffett mới là điều ẩn chứa những bài học kinh nghiệm bổ ích.
Berkshire Hathaway thời chưa có Buffett rất khác so với hiện tại. Từ khả năng sinh lợi, hiệu quả hoạt động cho đến giá trị tài sản của công ty. Vì trước khi Buffett mua công ty, Berkshire là gã khổng lồ trong ngành dệt đang trên đà đi xuống.
Vào năm 1961, trước khi Buffett bắt đầu mua cổ phiếu, Berkshire đang hoạt động với 7 nhà máy ở New Bedford, Hoa Kỳ. Trong ba năm trước đó, 11 triệu USD đã được đầu tư vào công ty để hiện đại hóa, tuy vậy công việc kinh doanh lại không mấy tiến triển. Những sản phẩm vải dệt đơn giản của họ không có lợi thế cạnh tranh và vẫn không khác của các đối thủ cạnh tranh là mấy.
Đến khi các đối thủ cạnh tranh xuất hiện nhan nhản trên thị trường, thì Berkshire không còn giữ được tia hy vọng nào nữa. Bởi thế cho nên vào năm 1962, năm mà công ty hoàn tất việc hiện đại hóa, nó đã phải chịu khoản lỗ khổng lồ lên đến 2,2 triệu USD.
Trên sàn giao dịch, cổ phiếu của Berkshire đã không còn được ưa chuộng, cộng với các tình hình kinh doanh hiện tại đáng thất vọng, cổ phiếu của công ty được bán với giá 8 USD, giảm gần một nửa so với giá trị sổ sách. Do giá trị thực của mỗi cổ phiếu tính trên vốn lưu động thời điểm đó là 16,5 USD, Buffett cảm thấy cái giá 8 USD là một món hời và quyết định mua vào.
Việc mua cổ phiếu của Berkshire lúc đó thể hiện một trong những phương châm đầu tư nền tảng mà Buffett sử dụng vào giai đoạn đầu khởi nghiệp. Đó là phương pháp mua các chứng khoán phát hành giá hời, mà dựa vào các kết quả được phân tích, có vẻ đáng giá hơn nhiều so với mức giá bán.
Tuy nhiên, khoản đầu tư này lại là một sai lầm, thậm chí là nghiêm trọng đối với Buffett. Ông thường nói rằng sai lầm lớn nhất của mình là đã mua nhà máy dệt Berkshire chỉ vì mức giá rẻ. Sau này, ông đúc kết kinh nghiệm trên qua câu nói: “Sẽ rất tuyệt vời khi mua một công ty tốt với giá trung bình, còn hơn là mua công ty trung bình với mức giá tốt”.
Buffett đã đưa ra quyết định tồi buộc ông phải chiến đấu để biến Berkshire trên bờ vực sụp đổ thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Ông đã rất kiên trì, bền bỉ và không cho phép Berkshire Hathaway thất bại. Vậy ông đã biến nhà máy Berkshire Hathaway trở thành một câu truyện kinh doanh thành công bằng cách nào?
Cắt giảm chi phí
Sau khi chính thức sở hữu công ty vào năm 1965, bước đi đầu tiên của Buffett là bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới khi đưa Ken Chace thay thế người tiền nhiệm. Buffett cho rằng bất cứ thứ gì liên quan đến máy dệt và con suốt đều thuộc quyền định đoạt của Chace, còn ông sẽ chỉ theo dõi các vấn đề tài chính.
Sau đó, Buffett giải thích cho Chace lý thuyết căn bản về lợi nhuận trên vốn đầu tư. Ông không quan tâm lắm đến việc nhà máy sản xuất được bao nhiêu sợi hay thậm chí bán được bao nhiêu kiện vải. Ông cũng chẳng quan tâm đến tổng lợi nhuận như một con số lẻ loi. Điều đáng kể là lợi nhuận được tính theo phần trăm trên số vốn đã đầu tư. Đó chính là tiêu chuẩn mà Buffett dùng để đánh giá kết quả làm việc của các nhà điều hành.
Buffett cho biết, “Tôi thà có 10 triệu USD với suất sinh lời 15%/năm còn hơn là 100 triệu USD mà chỉ kiếm được có 5% lợi nhuận. Vì tôi còn có những nơi khác để đầu tư vào”.
Ông đã rất nghiêm túc khi nói rằng ông có những nơi khác để đầu tư tiền của mình vào đó. Buffett muốn giám đốc điều hành tại Berkshire giữ lượng hàng tồn kho và chi phí sản xuất ở mức tối thiểu. Như Chace đã nói, “Điều mà Buffett muốn là chuyển mọi thứ ra tiền mặt càng nhanh càng tốt”.
Không tái đầu tư
Trong suốt hai năm dưới sự quản lý của Buffett, thị trường may mặc đã phát triển rất mạnh. Công ty đã bắt đầu có lợi nhuận, tuy nhiên ông không tái đầu tư vào ngành dệt may.
Berkshire đã đóng cửa hầu hết các nhà máy của mình, chỉ để lại hai nhà máy so với bảy trước đây. Tài sản của công ty vì thế đã giảm xuống phân nửa, và số lượng lao động chỉ còn 2.300 người – bằng 1% so với một thập kỷ trước đây.
Thay vì rót vốn vào ngành dệt may mà Berkshire không có lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn, Buffett đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của công ty với mục tiêu là trở thành một tập đoàn mà vốn liếng được phân bổ ở những nơi có thể mang lại lợi nhuận cao nhất có thể.
Vì thế, ông đã sử dụng chính lợi nhuận từ ngành dệt may để thâu tóm công ty bảo hiểm National Indemnity. Đây là công ty đầu tiên mà Buffett sử dụng túi tiền Berkshire để mua một doanh nghiệp
Trong khi ngành dệt may đòi hỏi tái đầu tư vào các nhà máy và trang thiết bị, do đó tiêu tốn rất nhiều tiền mặt thì ngành bảo hiểm lại tạo ra tiền mặt. Phí bảo hiểm bao giờ cũng được trả trước còn tiền bồi thường thì chỉ phải trả sau. Giữa khoảng thời gian đó, một công ty bảo hiểm có thể dùng số tiền này để đầu tư, được gọi là “tiền nổi”. Buffett cho rằng tiền nổi từ bảo hiểm có thể sử dụng để mang đi đầu tư sinh lợi.
Một khi Buffett đã thâu tóm được công ty bảo hiểm, Berkshire sẽ sở hữu một dòng vốn đầu tư để ông có thể vẫy vùng trên thị trường. Những năm sau đó, Berkshire còn thâu tóm cả Sun Newspaper, một tập đoàn chuyên xuất bản các tuần báo tại Omaha và sau đó là một tập đoàn còn lớn hơn nữa, ngân hàng Rockford.
Buffett đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của công ty thành một tổ chức hoàn toàn khác biệt so với ban đầu bằng cách mua một công ty bảo hiểm, một ngân hàng và một danh mục đầu tư cổ phiếu. Chính bước đi này của Buffett đã giúp Berkshire Hathaway trở thành một trong những câu chuyện kinh doanh thành công nhất trong giới đầu tư và cả trên thế giới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]