Dư luận xã hội có lẽ không còn lạ với những tên tuổi lớn: bà Mai Thị Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO của công ty cổ phần Cơ điện lạnh, rồi bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeABank… Họ đều là những nữ doanh nhân quyền lực, tài giỏi của Việt Nam và đã vươn tầm ra thế giới, mà nhắc tới họ, ngay cả các nam doanh nhân cũng phải ngưỡng mộ.
Nhưng không nhiều nữ doanh nhân được ngưỡng mộ như vậy. Dù xã hội đã có cái nhìn bình đẳng hơn đối với vấn đề nam - nữ, song một thực tế khá rõ ràng trong các doanh nghiệp, trong công sở hiện nay, đó là các sếp nữ vẫn không được chào đón bằng sếp nam. Không phải chỉ nhân viên nam không thực sự thoải mái với điều đó, mà ngay cả nhân viên nữ cũng không thích có sếp nữ.
Bà Lương Thị Lệ Thu, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thiết bị giáo dục Sao Mai trong vai trò người chơi trong chương trình CEO.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải điều đó. Một nhân viên nữ tại một doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội cho biết, cô không thích sếp nữ, vì sếp nữ thường có tầm nhìn hạn hẹp hơn sếp nam, ít có thời gian chuyên tâm cho công việc, chưa kể, những “thói xấu” thường được kể đến, như tâm trạng thất thường, tự cao, tự đại…
“Tôi không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái với sếp nữ. Tôi nghĩ, họ cần phải cải thiện kỹ năng lãnh đạo, không nên tự giải quyết tất cả mọi vấn đề, mà nên giao việc để những người dưới quyền có cơ hội phát triển”, một nhân viên nam nói và cho rằng, sếp nữ nên hiểu rằng, nhân viên làm việc hiệu quả hơn dưới quyền một người sếp biết giao việc thay vì ôm đồm tất cả mọi thứ.
Đặt câu hỏi rằng, nếu CEO đề bạt một nhân viên nữ lên làm sếp, thì anh, chị có ủng hộ không, thì câu hỏi mà các nhân viên trả lời một cách không ngần ngại rằng: Không. Nếu không còn sự lựa chọn nào khác, thì họ buộc phải chấp nhận, nhưng trong một tâm trạng không thực sự thoải mái.
“Điều này thực sự khiến tôi đau đầu khi muốn bổ nhiệm một nhân viên nữ, giỏi giang, vào vị trí quản lý. Rất nhiều người phản đối”, giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ.
Thực tế, đây không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp này, mà đang diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công sở khác. Dù năng lực của phụ nữ ngày càng được ghi nhận, song vẫn không thiếu những cái nhìn chưa mấy thiện cảm về chuyện bổ nhiệm sếp nữ.
“Nữ doanh nhân chịu rất nhiều sức ép”, bà Lương Thị Lệ Thu, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị giáo dục Sao Mai chia sẻ.
Sức ép với bà Thu không phải chỉ là chuyện bản thân bà là một CEO nữ, mà còn là sức ép mỗi khi muốn đề bạt nhân viên nữ vào vị trí quản lý.
Bà Lương Thị Lệ Thu chính là CEO ngồi vào vị trí người chơi trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề "Nữ doanh nhân - Bài toán lao động nữ".
Tình huống được đặt ra có lẽ là khá phổ biến. Đó là tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng. Công ty muốn đề bạt một nữ nhân viên kinh doanh vào vị trí Trưởng phòng Bán hàng, song khi đưa ra bàn bạc thì CEO gặp phải sự phản đối của Trưởng phòng Marketing và Trưởng phòng Sản xuất.
Lý do mà hai vị Trưởng phòng này đưa ra là vì, vị trí trưởng phòng bán hàng rất quan trọng đối với công ty, vì vậy cần phải có một người có thể ổn định về mặt thời gian để chuyên tâm làm việc. Trong khi đó, nữ nhân viên này mới lập gia đình chưa được bao lâu. Thêm vào đó, vị nam trưởng phòng của bộ phận này vừa mới xin nghỉ cũng vì lý do sức khỏe, không cáng đáng hết được công việc và trách nhiệm của một trưởng phòng kinh doanh. Do đó, nữ nhân viên này cũng sẽ không thể đủ khả năng đảm nhiệm được công việc vốn dành cho nam giới.
Không cất nhắc nữ nhân viên này, công ty có thể mất đi một nhân viên có năng lực. Nhưng nếu đề bạt, sự phản đối từ trong nội bộ công ty là không nhỏ. CEO sẽ phải làm thế nào?
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]