Phía sau thành công của huyền thoại đầu cơ George Soros là những nhân vật có khả năng làm khuynh đảo tài chính thế giới. George Soros - ông chủ của Công ty Quản lý Quỹ Soros nổi tiếng, quản lý hàng loạt quỹ mà trong đó nổi bật nhất là quỹ Quantum. Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 thập kỷ, Soros đã ủy quyền điều hành quỹ này cho Stanley Druckenmiller - một nhân vật được coi là "vũ khí tối thượng" của nhà đầu tư lừng danh thế giới này. Vậy nhân vật nổi bật là ai?
Stanley Druckenmiller (sinh năm 1953) vốn được biết tới là một nhà đầu tư cá nhân của thời đại, đồng thời cũng là người quản lý quỹ phòng hộ và nhà từ thiện nổi tiếng trên nước Mỹ. Trong thế giới đầu tư, ông vốn được ví "như là là cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất trong lịch sử, với khả năng phân tích của Jim Roger (người cùng Soros lập ra Quantum rồi sau đó tách), khả năng giao dịch của Soros và tinh thần thép của một tay cờ bạc chuyên nghiệp".
Suốt giai đoạn 1989-2000, quỹ Quantum và các quỹ khác do Soros lập ra đều do Druckenmiller điều hành. Druckenmiller cũng chính là nhân vật đằng sau các vụ "đánh sập" ngân hàng trung ương từ Đức, Thụy Điển, Anh (1992), các quốc gia Nam Mỹ (1994), các quốc gia châu Á (1997).
Tháng 9/1992, bằng khoản đầu tư trị giá 10 tỷ USD vào đồng bảng Anh (GBP), Soros và trợ lý đắc lực Stanley Druckenmiller đã làm cho đồng bảng Anh phải rút khỏi hệ thống tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM). Với thành tích "đánh sập" ngân hàng trung ương Anh này, quỹ Quantum thu về 1 tỷ USD. Thương vụ này cũng khiến nhà đầu tư cũng bắt đầu chú ý đến ngành quỹ đầu cơ.
Trong suốt hơn 30 năm hành nghề giao dịch tài chính, Druckenmiller đạt tỷ suất sinh lời ấn tượng 30%/năm. Một con số rất ấn tượng, nhưng điều ngạc nhiên hơn là ông ấy chưa bao giờ thua lỗ trong bất cứ năm nào.Cho tới khi ông nghỉ hưu trên đỉnh cao danh vọng năm 2010, với tổng tài sản quản lý lên đến 20 tỷ $, giới đầu tư phải thốt lên kinh ngạc vì Druckenmiller chưa có năm nào thua lỗ.
Cho tới thời điểm hiện tại, Druckenmiller dường như vẫn luôn là một tượng đài nổi bật trong phương thức giao dịch "nhanh nhạy" và được nhiều nhà giao dịch xem là thần tượng. Phong cách giao dịch của ông đã gây ảnh hưởng với nhiều giao dịch của thế hệ trẻ trên phố Wall. Dường như trong công cuộc đầu tư, ông luôn sử dụng một phong cách giao dịch tương tự như George Soros bằng cách giữ một nhóm cổ phiếu dài có triển vọng, đầu cơ lướt sóng một nhóm cổ phiếu ngắn song song và sử dụng đòn bẩy cao để giao dịch tương lai và tiền tệ.
Câu nói quen thuộc mà Druckenmiller hay nhắc tới là: "Trước hết phải sống sót đã, rồi sau đó mới tính đến chuyện kiếm tiền. Thầy Soros cũng luôn nhắc tôi rằng việc tôi đúng hay sai không quan trọng mà quan trọng là số tiền tôi có được khi tôi đúng, và số tiền mất khi tôi sai".
Dưới đây là 3 bí kíp đúc kết từ kinh nghiệm của bậc thầy dành cho các nhà đầu tư đại chúng mong muốn thành công (theo phỏng vấn của Forbes Mỹ):
1. Linh hoạt là dấu hiệu đầu tiên của một nhà đầu tư thành công
Vào ngày trước cuộc sụp đổ năm 1987, Druckenmiller đã chuyển từ vị thế bán sang mua vì ông nghĩ rằng, đợt bán tháo đã kết thúc. Ông thấy thị trường nảy lên tại mức hỗ trợ. Nhưng suốt ngày hôm đó, ông nhận ra, ông đã phạm phải sai lầm khủng khiếp. Ngày hôm sau, ông đảo ngược toàn bộ vị thế và kiếm được bộn tiền.
Tư duy linh hoạt là mấu chốt của một nhà giao dịch thành công. Câu nói nổi tiếng của ông là "Một nhà giao dịch giỏi đóng vị thế khi họ tin rằng, họ đã sai. Nhưng một nhà giao dịch vĩ đại đảo ngược vị thế khi họ tin rằng họ đã sai".
Theo Druckenmiller, để trở thành nhà giao dịch thành công, nhà đầu tư cần phải trở nên "quả quyết, tư duy rộng mở, linh hoạt và cầu tiến".
2. Đi theo nguyên nhân nằm phía sau sự dịch chuyển giá cổ phiếu: tập trung vào dòng tiền lớn do các ngân hàng trung ương hoặc ngân hàng nhà nước tạo ra
Trong cuộc phỏng vấn với Forbes, khi được hỏi rằng điều gì khiến giá cổ phiếu chuyển động, Druckenmiller đã nêu lên quan điểm của ông về định giá cổ phiếu "Khi tôi bắt đầu bước vào nghề giao dịch tài chính, tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách và nghiên cứu về cổ phiếu… Tuy nhiên, tôi thấy phần lớn thật vô ích. Mọi người, cho đến tận ngày nay, nhiều nhà phân tích vẫn chưa hiểu lý do vì sao cổ phiếu tăng hoặc giảm. Thế giới tài chính đầy rẫy những thứ hỗn tạp và ngớ ngẩn. Mọi người nghĩ rằng đó là các yếu tố cơ bản, định giá , lợi nhuận, nhưng điều này là hết sức sai lầm. Tôi cho rằng lợi nhuận không làm giá cổ phiếu thay đổi, mà đó chính là FED … Hãy tập trung vào ngân hàng trung ương và quan sát các động thái bơm tiền – hút tiền của họ. Chính thanh khoản mới khiến thị trường chuyển động".
Thanh khoản là sự tăng lên hoặc thu hẹp của tiền, đặc biệt là tín dụng. Đây là biến số quan trọng nhất chi phối nền kinh tế và thị trường tài chính. FED là người cung cấp thanh khoản lớn nhất thế giới. Vì thế, phải luôn quan sát kỹ động thái của FED. Điều này không có nghĩa doanh số hay lợi nhuận không có ý nghĩa gì. Chúng vẫn rất quan trọng đối với một số nhóm ngành.
Ông cũng cho rằng đối với cổ phiếu ngân hàng, yếu tố chính chi phối giá là lợi nhuận. Nhưng đối với ngành công nghiệp, yếu tố chính là khả năng sản xuất. Thời điểm tốt nhất để mua cổ phiếu ngành sản xuất là nó còn nhiều năng lực sản xuất và có chất xúc tác để tin rằng, nhu cầu đang tăng lên.
Ngược lại, thời điểm tốt để bán các cổ phiếu này chính là khi có các thông báo về xây dựng nhà máy mới, và khi lợi nhuận sụt giảm. Lý do cơ bản là, việc xây dựng nhà máy mới thường khiến cho lợi nhuận suy giảm 2-3 năm tới, và thị trường cổ phiếu sẽ phản ứng với điều này.
Vốn dĩ thị trường tài chính luôn là là cỗ máy chiết khấu tương lai. Nhiều người sử dụng lợi nhuận gần đây và ngoại suy cho tương lai. Nhưng mọi người không hiểu cơ chế tác động đến lợi nhuận tương lai của từng ngành cụ thể.
3. Kiểm soát tốt tâm lý và đề cao phòng ngừa rủi ro khi tiến hành giao dịch
Đừng để cho các khoản lỗ làm ảnh hưởng đến tâm lý của chính bản thân mỗi NĐT. Nếu ta cực kỳ tự tin vào kiến thức, các khoản lỗ chẳng thể nào ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư được. Druckenmiller cho hay học hỏi điều đó từ George Soros. Ông ấy coi nhẹ thua lỗ. Khi có một giao dịch không thành công, thầy của tôi sẽ đóng vị thế nhanh chóng vì ông tin rằng, ông có thể nhanh chóng kiếm lại tiền ở giao dịch khác.
Một trong những phần khó khăn nhất của giao dịch tài chính là phải bảo vệ vốn. Sinh tồn là điều quan trọng. Nên nhớ, Đế chế La Mã không được tạo dựng trong một ngày nhưng Hiroshima có thể phá hủy tất cả trong chỉ một ngày mà thôi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]