Giàu nhất sàn chứng khoán
Xuất hiện ngay từ năm 2006, thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu sốt nóng nhưng cái tên Đặng Thành Tâm khá mờ nhạt. Năm 2006, thị trường mải tập trung vào ông Trương Gia Bình mà không để ý tới ông Tâm, người “chỉ” nắm giữ khối tài sản trị giá 371,6 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tịch Sài Gòn Investment Group (SIG), một tập đoàn lớn nhưng năm 2006, ông Tâm “nghèo” hơn rất nhiều so với các đại gia khác vì SIG chỉ có một thành viên duy nhất niêm yết cổ phiếu. Đó là Công ty Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo (ITA).
Tới năm 2007, ông Tâm “bùng nổ” khi một thành viên khác của SIG là Công ty Đầu tư Kinh Bắc (KBC), lên sàn. Nắm giữ 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu ITA, ông Tâm khi đó sở hữu khối tài sản lên tới 6.300 tỷ đồng.
Nhờ khối tài sản khổng lồ này, ông Tâm dễ dàng vượt qua ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2007. Ông Tâm là người thứ 2 vinh dự nhận danh hiệu này.
Đại gia Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Tuy nhiên, 2007 là năm duy nhất ông Tâm đứng ở vị trí số 1. Từ năm 2008, thời điểm VN-Index thoái trào theo khủng hoảng kinh tế, ông Tâm bắt đầu đi xuống khi cổ phiếu mà ông nắm giữ có tốc độ tuột dốc mạnh hơn thị trường.
Năm 2008, ông Tâm rớt xuống vị trí thứ 3 khi tài sản “bốc hơi” gần 50%. Điều đáng nói, năm 2008, nếu SGT, một cổ phiếu khác do ông Tâm nắm giữ không niêm yết, chắc chắn, tài sản của ông Tâm không thể đạt được mức 3.280 tỷ đồng. Người thay thế ông Tâm đứng ở vị trí số 1 chính là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai.
Sang năm 2009 và 2010, ông Tâm vẫn đứng ở vị trí cuối trong Top 3 dù tổng tài sản tăng khá mạnh lên 4.700 tỷ đồng và 5.180 tỷ đồng. Sau 2 năm gắng gượng giữ được vị thế, tới 2011, ông Tâm bắt đầu tuột dốc.
Năm 2011, ông rơi xuống vị trí thứ 8 với 1.399 tỷ đồng. Năm 2012, ông bị đánh bật ra khỏi Top 10. Với khối tài sản trị giá chưa đạt 1.000 tỷ đồng, ông Tâm đành ngậm ngùi ở vị trí 13. Tại ngày cuối cùng của năm 2013, ông xếp ở vị trí 12. Nhiều thời điểm trong năm 2013, ông Tâm thậm chí suýt rơi xuống Top 20.
Bị “đập” nhừ tử nhất
Khủng hoảng kinh tế khiến thị trường chứng khoán tuột dốc. Kết quả là hầu hết cổ phiếu niêm yết trên hai sàn đều mất giá thảm hại. Nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Đại gia - những người nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất là những người chịu mất mát nhiều nhất.
Trong số những người bị mất mát nhiều nhất, ông Tâm khốn khổ hơn cả vì bị thị trường “đập” tơi tả. Nguyên nhân một phần do công việc kinh doanh bị ảnh hưởng do khủng hoảng. Nhưng phần quan trọng hơn, ông Tâm tự hại mình vì đua theo “trào lưu” đầu tư tài chính.
Tân Tạo và Kinh Bắc là hai tập đoàn có tiếng. Trong khi cổ phiếu ITA “làm mưa, làm gió” trên sàn Tp.HCM thì KBC được xem là “anh cả” của sàn Hà Nội. Thế nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến cả hai tập đoàn khó khăn, ITA và KBC sụt giảm mạnh, thậm chí còn giao dịch dưới mệnh giá.
Bên cạnh đó, ông Tâm còn lao đao vì đầu tư tài chính. Ông Tâm chia sẻ ở Việt Nam có thời kỳ ai cũng thích ngân hàng và đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng. Ông không nằm ngoài số đông. Vì thế, ông đã đổ rất nhiều tiền vào ngân hàng Phương Tây và ngân hàng Nam Việt.
Sau một thời gian đầu tư cổ phiếu ngân hàng, ông Tâm sớm nhận trái đắng. Ông thẳng thắn thừa nhận mình đã phải gánh “hậu họa” vì mù quáng lao vào cổ phiếu ngân hàng. “Hậu họa” không chỉ là công ty lao đao, không vay được vốn ngân hàng mà còn là sức khỏe ông bị ảnh hưởng trầm trọng. Ông than có lúc muốn “uống thuốc sâu” cho xong.
Ông từng rút gan rút ruột trên Vnexpress: “Cho tôi nói thật, cuộc đời doanh nghiệp dễ có mấy khi được thảnh thơi. Thời gian qua quả là kinh hoàng đối với chúng tôi. Tôi cảm giác mình như người chết rồi”.
Nhưng với bản lĩnh của một người từng leo lên vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Tâm chia sẻ: “Bản thân tôi đã thấu hiểu những sai lầm khi đầu tư dàn trải và phải trả giá hết sức nặng nề.
Hiện giờ tôi vẫn tiếp tục quyết tâm thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư tài chính để tập trung tối đa vào hoạt động kinh doanh chính là phát triển khu công nghiệp. Tôi tin chắc rằng việc tái cơ cấu của chúng tôi sẽ thành công”.
Thành công nhưng không về số 1
Sau chuỗi ngày dài chật vật, ông Tâm đã tạm bước qua khó khăn. Các doanh nghiệp của ông hoạt động tương đối ổn định. Khoản lỗ “khủng” 436,64 tỷ đồng năm 2012 đã được thay thế bằng khoản lãi 72,50 tỷ đồng năm 2013.
2014 là năm đầy hứa hẹn của Kinh Bắc khi khu công nghiệp Kinh Bắc thu hút làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc. Chưa kể sắp tới Kinh Bắc sẽ phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Dự kiến, đợt phát hành này sẽ mang về cho công ty 3.000 tỷ đồng.
Tân Tạo cũng cải thiện mạnh về các chỉ số kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế năm 2013 tăng gấp 2,5 lần so với 2012. ITA dù vẫn giao dịch dưới mệnh giá nhưng so với đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gấp rưỡi.
Hoạt động kinh doanh tốt lên, giá cổ phiếu tăng nên khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Tâm cũng cải thiện mạnh. Có nhiều thời điểm ông Tâm lọt trở lại vào Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản khoảng 1.300 tỷ đồng.
Với 1.300 tỷ đồng, ông Tâm thua xa ông Phạm Nhật Vượng, ông Đoàn Nguyên Đức về độ giàu có. Vì vậy, ông Tâm khó có thể trở về vị trí số 1 như năm 2007. Tuy nhiên, 2014 vẫn là năm ghi dấu nhiều thành công của “cựu” đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]