Kết quả cuộc thăm dò do CNBC thực hiện hồi tháng 3 vừa được công bố cho thấy, 53% trong số 750 người Mỹ có tài sản ròng từ 1 triệu USD cho biết sẽ bỏ phiếu cho nữ cựu Ngoại trưởng đến từ Đảng Dân chủ. 47% còn lại cho biết sẽ bỏ phiếu cho đại diện đến từ Đảng Cộng hòa.
Hiện tại, trong số các ứng viên tuyên bố tham gia tranh cử bên Đảng Cộng hòa chưa có nhân vật nào hứa hẹn khả năng sẽ trở thành đại diện chính thức của đảng này. Trong khi đó, bà Clinton gần như đã cầm chắc ghế đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong cuộc thăm dò nói trên, bà Clinton giành được sự ủng hộ của 91% số cử tri triệu phú theo Đảng Dân chủ, 13% cử tri triệu phú theo Đảng Cộng hòa, và 57% cử tri triệu phú độc lập.
Trong tương quan so sánh giữa tất cả các ứng cử viên, bà Clinton cũng là người nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ phía các cử tri triệu phú, với tỷ lệ 36% nói sẽ bỏ phiếu cho bà.
Ứng cử viên Jeb Bush của Đảng Cộng hòa được 20% số cử tri triệu phú trong cuộc thăm dò ủng hộ, tiếp đó là thượng nghị sỹ Elizabeth Warren của Đảng Dân chủ nhận được 8%, và Thống đốc Chris Christie của bang New Jersey, một người thuộc Đảng Cộng hòa, với 7%.
Tính chung, các ứng viên của Đảng Cộng hòa nhận được sự 49% số phiếu ủng hộ của các cử tri triệu phú, so với tỷ lệ ủng hộ 51% dành cho các cử tri bên Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sự ủng hộ của giới triệu phú có thể sẽ là một trở ngại thay vì là thế mạnh đối với bà Clinton.
Bà đã tuyên bố muốn hành động vì tầng lớp lao động Mỹ và muốn giảm lương của các giám đốc điều hành. Bởi vậy, việc bị coi là ứng cử viên yêu thích của giới triệu phú sẽ xung đột với những nỗ lực của bà Clinton nhằm được nhìn nhận như một người hành động vì tầng lớp lao động và dân nghèo.
Chưa kể, giới triệu phú không phải lúc nào cũng đoán trúng ai sẽ thắng cử.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, 61% số triệu phú Mỹ được khảo sát ý kiến nói họ ủng hộ Mitt Romney. Rốt cục, đương kim Tổng thống Barack Obama mới là người đắc cử.
Khi được hỏi đâu là những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm 2016, 22% số triệu phú nói đó là thuế và chi tiêu chính phủ. Đứng ở vị trí thứ hai là thế bế tắc chính trị giữa hai đảng với 21%, thứ ba là chính sách đối ngoại với 19%, và nền kinh tế/thất nghiệp với 16%.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]