Sáng 12/1, Công ty Chứng khoán Bualuang của Thái Lan đã phát hành một báo cáo phân tích về công ty Robinson Department Store, một đơn vị thành viên của Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan.
Một thông tin khá quan trọng được nêu trong báo cáo này là Power Buy, đơn vị hiện do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần và là hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan – đã mua lại 49% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Giá trị thương vụ được đồn đoán lên tới 200 triệu USD và là bước thâm nhập mới của các công ty Thái Lan vào thị trường bán lẻ "cực kỳ hấp dẫn để đầu tư" - theo như lời Tham tán thương mại Sứ quán Thái Lan ở Việt Nam.
Theo Bualuang thì Công ty NKT hiện đang sở hữu 100% cổ phần của CTCP Thương mại Nguyễn Kim, đơn vị hiện đang quản lý chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim - một trong 2 chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất Việt Nam. Trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2014, Thương mại Nguyễn Kim đạt 8.438 tỷ đồng doanh thu và 352 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Công ty NKT mới được thành lập ngày 8/10/2014 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, bằng đúng vốn điều lệ của Thương mại Nguyễn Kim. Cơ cấu sở hữu ban đầu của công ty này bao gồm: ông Nguyễn Văn Kim sở hữu 31% cổ phần, bà Nguyễn Thị Hương sở hữu 57,29% cổ phần, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết sở hữu 11,11% cổ phần và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh sở hữu 0,6% cổ phần.
Giá trị của thương vụ hiện chưa được công bố. Đối thủ lớn nhất của Nguyễn Kim, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), hiện đang được định giá ở mức 580 triệu USD với thị giá cổ phiếu gấp 11 lần mệnh giá.
Robinson Department Store đầu năm 2014 đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam với việc mở 2 trung tâm mua sắm ROBINS tại trung tâm thương mại Royal City (Hà Nội) và Crescent Mall (Tp.Hồ Chí Minh).
Trao đổi với báo giới Việt Nam, đại diện truyền thông của Central Group - tập đoàn nắm cổ phần của Power Buy cho biết việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam.
Tổng giám đốc Central Group Việt Nam Philippe Broianigo sẽ kiêm chức này tại Nguyễn Kim, trong khi ông Nguyễn Văn Kim vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Central Group ra đời vào năm 1927, được thành lập bởi Tiang Chirathivat, người có 3 người vợ và 25 đứa con. Chủ cửa hàng Tiang Chirathivat không phải là người Thái mà ông di cư tới Bangkok từ Hải Nam, Trung Quốc trước đó 2 năm (năm 1925). Nhờ có tài kinh doanh, công việc làm ăn của Tiang Chirathivat diễn ra thuận lợi. Tới năm 1956, Tiang quyết định mở rộng kinh doanh. Ông mở ra khu trung tâm thương mại Central Trading tại Chinatown. Đây chính là tiền thân của Central Group ngày nay.
Khi mới thành lập, Central Group không phải là một trung tâm thương mại mà chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại quận Thonburi ở bờ Tây sông Chao Phraya.
Thời điểm đó, Central Trading được coi là trung tâm mua sắm đầu tiên ở Thái Lan, và cũng là nơi đầu tiên đề ra mức giá cố định. Lúc đó ở Thái Lan, hàng hóa được bán theo kiểu “thuận mua vừa bán. Vì vậy, việc đưa ra mức giá cố định không mặc cả, Central Trading trở thành một cuộc cách mạng trong kinh doanh bán lẻ tại Thái Lan.
Vào những năm 90, Central Trading đẩy mạnh việc thâu tóm các công ty khác. Tập đoàn này và liên doanh với nhà bán lẻ Pháp để cho ra đời thương hiệu Big C, chính thức bước chân vào kinh doanh siêu thị năm 1994.
Central hoàn tất việc thâu tóm nhà bán lẻ Robinson vào năm 1995, đồng thời đẩy mạnh đầu tư sang các loại hàng hóa đặc thù như chuỗi cửa hàng điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng tiện lợi...
Năm 2002, Central Group thâu tóm khu phức hợp World Trade Center - khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng. World Trade Center sau đó đã được đổi tên thành CentralWorld, và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn.
Dưới sự lãnh đạo tài ba của gia tộc Chirathivat, tập đoàn Central Group ngày càng tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tích cực mở rộng ra nước ngoài. Con cháu những gia đình trong tập đoàn này đang nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty niêm yết và công ty con của tập đoàn.
Người đang nắm giữ chức vụ giám đốc điều hành Central Group là Tos Chirathivat, cháu nội ông Tiang Chirathivat .
Tos Chirathivat có bằng MBA tại đại học Columbia (Mỹ) và làm việc cho Citibank trước khi quay về Central Group vào năm 1989.
Tin tức trên báo Tri Thức Trực Tuyến, trước đó, vào tháng 4/2014, khi khai trương trung tâm mua sắm Robin đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam, chủ tịch kiêm CEO Central Group - ông Tos Chirativath - từng đánh giá Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với khoảng 60% trong số 90 triệu dân đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi tiêu cao.
"Chúng tôi có những đánh giá lạc quan về Việt Nam, dù đây là điểm đến thứ 3 của tập đoàn ở châu Á, sau Thái Lan và Trung Quốc. Ngoài Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ là những đích ngắm mới, dự kiến trong giai đoạn từ cuối 2014 đến 2017. Còn Myanmar ư? Tôi vẫn đang chờ cơ hội", vị tỷ phú này cho biết.
Theo thống kê của Forbes vào tháng 4/2014, gia đình Chirathivat sở hữu khối tài sản khoảng 12,7 tỷ USD, là trở thành những người giàu nhất Thái Lan. So với năm 2013, khối tài sản này đã tăng khoảng 27% nhờ vào những thành công trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là theo số liệu cập nhật đến năm 2015, gia đình tỷ phú này bỗng biến mất trong danh sách của Forbes mà không hề có thông tin liên quan đến phá sản, hay bất cứ thất bại đặc biệt nào trong một năm qua của Central Group.
Dưới sự lãnh đạo tài ba của gia tộc Chirathivat, tập đoàn Central Group ngày càng tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tích cực mở rộng ra nước ngoài. Con cháu những gia đình trong tập đoàn này đang nắm giữ cổ phần chi phối tại công ty niêm yết và công ty con của tập đoàn.
Trong một bài viết đăng trên Forbes, Tos Chirathivat, 42 tuổi, được ca ngợi là tỷ phú trẻ tuổi, phong độ và có cái nhìn phóng khoáng về đường lối kinh doanh của tập đoàn đã có gần 7 thập kỷ phát triển. Việc Tos được giao nắm giữ vị trí cao nhất của tập đoàn này từng khiến giới đầu tư bất ngờ, bởi ông là con trai út trong gia đình 8 con của Samrit Chirathivat - người đã có tới 21 năm nắm giữ chiếc ghế chủ tịch Central Group.
Trong mắt của nhiều người thân, Tos Chirathivat vốn là một cậu bé rất ít nói. Cô của vị này - bà Busaba Chirathivat, đồng thời là Phó chủ tịch Central cho biết, ông không nói nhiều, mà thích lắng nghe hơn. Tos từng theo học một năm tại trường trung học ở Miami, sau đó, ông ở lại Mỹ cùng với gia đình chị gái. Ban đầu, ông chủ của Central Group không được định hướng theo ngành kinh doanh, nhưng mọi chuyện thay đổi khi học ngành kinh doanh tại đại học Wesleyan ở Connecticut. Không lâu sau đó, Tos nhận bằng thạc sỹ kinh tế tại đại học Columbia, New York.
Quay trở lại Thái Lan, Tos dành một năm làm việc tại ví trí quản lý đầu tư tại ngân hàng Citibank, sau đó, ông bắt đầu gia nhập công ty của gia đình vào năm 1989, làm quản lý dự án của Central Pattana. Prin Chirathivat, Phó giám đốc điều hành của tập đoàn mô tả em trai mình là một nhà đàm phán cứng rắn và có khả năng học học cực kỳ nhanh chóng. "Cậu ấy điều khiển mọi việc và luôn thích những ý tưởng mới".
Trong mắt các đối thủ cạnh tranh, Central Group được mô tả là một "kẻ tàn nhẫn" vì những thương vụ nhượng quyền thương mại và thâu tóm các nhãn hiệu sinh lời. Tập đoàn này sở hữu rất nhiều thương hiệu, từ những cửa hàng địa phương, siêu thị Family Mart, tới chuỗi cửa hàng bán đồ dùng văn phòng OfficeMate, vật liệu xây dựng và cả trong ngành y tế...
Tính đến năm 2013, việc kinh doanh của Central Group vẫn rất trơn tru. Tổng tài sản của công ty này năm 2013 là khoảng 7,4 tỷ USD, với khoảng 66.000 nhân viên. 11 thành viên trong gia đình Chirathivat nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập đoàn, cũng như sở hữu phần lớn nguồn vốn của công ty, và 70 thành viên khác trong gia đình không nắm giữ quá 15% lượng cổ phiếu của Central Group.
Theo Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]