Một lần, ông Vũ Hồng Khánh được một người trong dòng họ Vũ mời đi xem lăng mộ bà Nguyễn Thị Đức (mẹ đẻ ông Vũ Hồn, tổ của họ Vũ ở Chí Linh, Hải Dương) mới được dòng họ phát hiện. Mặc dù di thể của bà Đức được chôn cất đã 1.200 năm, song khi mở mộ, xác ướp vẫn còn nguyên vẹn, như đang nằm ngủ. Từ đây, ông bắt đầu ấp ủ khát vọng được bất tử như tổ mẫu của mình.
Đại gia Vũ Hồng Khánh với khát vọng bất tử như tổ mẫu của mình.
Đó cũng chính là lý do khiến vị đại gia đất Cảng này không tiếc tay xây dựng quần thể lăng mộ trên trên mảnh đất rộng hơn 3.000 m2 giữa TP Hải Phòng. Để hoàn thành ngôi mộ "độc nhất vô nhị" này, ước chừng ông Khánh đã bỏ ra hơn 1 triệu USD.
Lối vào trung tâm lăng mộ của đại gia Vũ Hồng Khánh.
Ông cho biết: "Cả tuổi trẻ cống hiến cho khoa học, làm bạn với dầu mỡ. Giờ về già, tôi chỉ khao khát tự tay xây mộ cho mình lúc nằm xuống".
Để bắt tay xây dựng lăng mộ cho mình, ông Khánh đã khăn gói quả mướp vào tận khu vực núi Nhồi, Thanh Hóa để tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất. Ông bảo: "Đá xanh, đá đen đủ tiêu chuẩn phải nguyên khối, nguyên tảng, không có đường vân dù chỉ nhỏ bằng sợi tóc, không màu sắc pha tạp". Vì thế, ông Khánh không dùng cách khai thác bằng nổ mìn mà dùng sức người khai thác, bởi theo ông, đá khai thác bằng nổ mìn sẽ om, sức bền không tốt. Mỗi tảng đá như thế giá từ 10-30 triệu đồng.
Tấm bia chân dung ghi tài năng và những đóng góp cho xã hội của đại gia Khánh.
Khu lăng mộ là thành quả làm việc của hàng trăm thợ lành nghề trong suốt 5 năm làm việc ròng rã. Ước chừng khu trung tâm lăng mộ rộng 200m2, lẩn khuất sau những hàng cau vua rợp bóng. Cổng vào lăng mộ được dựng bằng hai cột đá đen, mái cổng là một tấm đá đen lớn.
Toàn bộ phần khuôn viên lăng mộ đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài giũa rất khít.
Ở giữa lăng mộ là khối đá đen nặng 10 tấn, mặt trước là những dòng chữ khắc nội dung kể tài năng cũng như đóng góp của ông cho xã hội. Trên cùng tháp đá bức tượng bán thân của ông Khánh được chạm khắc tỉ mỉ. Toàn bộ phần khuôn viên lăng mộ đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài giũa rất khít. Hầm mộ sâu trong lòng đất 4m, được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ, mỗi khối nặng 2,6 tấn. Ông K. dặn lại, khi nào ông và vợ nằm xuống, các con sẽ rút hết nước, nhấc nắp lăng mộ đưa thi hài ông và vợ xuống. Sau đó, sẽ cho nước lên nắp hầm cho... mát mẻ.
Công trình có tên gọi "Vườn treo Babylon".
Công trình được đặt tên là "vườn treo Babylon" gồm 3 bậc sàn bằng đá, 24 cột đá và một mái đá lớn. Ông Khánh coi đây là nơi nghỉ ngơi, thưởng trà.
Dành 10 năm nghiên cứu kỹ thuật ướp xác và xây lăng mộ... cho mình
Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh "Đức gấu". Ông là Nguyễn Công Đức, người Hà Nội chính gốc nhưng đã chuyển lên đây sống từ nhiều năm nay. Ông Đức nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn tự mình xây dựng một trang trại, trong đó có khu lăng mộ chờ ướp xác mình.
Đại gia Đức "gấu".
Đầu tiên là việc ông ngao du khắp Việt Nam, rồi sang cả Trung Quốc, Ấn Độ để tìm hiểu kỹ thuật ướp xác. Sau đó, phải mất 3 năm rưỡi thuê 30 thợ lành nghề kỳ công đẽo đục đá trên đỉnh một ngọn núi ở Lương Sơn (Hòa Bình) sâu cả chục mét để làm hai hầm mộ chuẩn bị cho việc ướp xác khi ông và vợ "về với tổ tiên".
Hai ngôi mộ trong có vẻ bình thường nhưng ẩn chứa kỹ thuật ướp xác kỳ công.
Phía dưới hầm mộ có một hệ thống xe goòng để đưa thi hài vào. Hương liệu ướp xác đều đã được chuẩn bị sẵn. Số tiền chi cho việc xây ngôi mộ có một không hai này không được ông Đức tiết lộ, tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người đây hẳn là một con số rất lớn.
Hai ngôi mộ nhìn ra cả khu trang trại rộng lớn với màu xanh ngút ngàn.
"Ướp xác hẳn là cái "sự khó", nên tôi thử xem nó khó thế nào. Với lại, người già thường hay lo đến chuyện hậu sự. Tào Tháo lo từ khi 36 tuổi, Thành Cát Tư Hãn cũng lo xây mộ mình lúc 38 tuổi, lúc xây mộ tôi cũng ở cái tuổi "thất thập", lo đến chuyện hậu sự cũng là vừa rồi...", ông Đức chia sẻ.
Xây lăng mộ cho mình theo kiến trúc cung đình Huế
Mới đây, người dân tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) không ngừng bàn tán về việc đại gia Nguyễn Văn C. (sinh năm 1954) bỏ 3,5 tỷ đồng để xây dựng lăng mộ cho chính mình sau khi tạ thế.
Lăng mộ của đại gia C. Nghệ An.
Lăng mộ được đại gia C. chi 3,5 tỷ để xây dựng.
Kiến trúc của khu lăng mộ mô phỏng lăng mộ của vua chúa thời xưa ở cung đình Huế. Lăng mộ của ông C. được làm chủ yếu bằng chất liệu đá trắng, với 2 cổng vào, mỗi bên cổng khắc 2 hàng chữ Nôm và hình ảnh 2 con voi chầu, rồng phục.
Lăng mộ xây theo kiến trúc cung đình Huế xưa.
Ông C. là người điều hành công ty chuyên khai thác khoáng sản, được liệt vào diện ăn nên làm ra bậc nhất trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Cách đây 7 năm, vị đại gia này cũng thể hiện sự “khác người” khi vận động công nhân và người dân trên địa bàn để đưa cậu con trai khi đó mới 21 tuổi ra ứng cử đại biểu dân cử nhưng bất thành.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]