Ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng giám đốc FPT
Ông Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 nhà đồng sáng lập ra tập đoàn FPT. Ông Nam từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn này, trong đó có vị trí Tổng giám đốc FPT.
Chia sẻ trong một chương trình về khởi nghiệp diễn ra vào chiều ngày 28/2, ông Nam cho biết sau khi FPT thành lập được khoảng 3-4 năm, các founder của công ty đã xảy ra mâu thuẫn trong việc phân chia tiền bạc. Mọi người tranh cãi, thậm chí dùng ngôn ngữ nặng nề với nhau.
Có lúc ông Nam từng nghĩ mâu thuẫn này có thể khiến công ty tan rã nhưng “sau đó, ông Bình (Trương Gia Bình-PV) tìm thấy một cuốn sách tên là Mini MBA, trong đó có một chương viết rằng các công ty khi thành lập được 3-5 năm sẽ xảy ra tranh cãi.”
“Hóa ra, việc tranh cãi tại các start-up giống như trẻ con lên sởi. Không phải bệnh chết người”, ông Nam hài hước chia sẻ.
Cựu CEO FPT cũng nhắn nhủ “Khi trải qua giai đoạn này các bạn sẽ trưởng thành hơn”.
Không chỉ riêng gì FPT, mà nhiều start-up khác tại Việt Nam và trên thế giới cũng gặp phải tình huống tương tự.
Mâu thuẫn trong việc phân chia cổ phần hoặc lợi nhuận có thể khiến những nhà đồng sáng lập từ chỗ anh em, cộng sự thân thiết chuyển sang đối đầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty, thậm chí khiến start-up sụp đổ.
Trong thực tế, có trường hợp khi công ty còn non trẻ và chưa sinh lời thì những founder đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Nhưng đến khi công ty đạt được chút thành công thì nội bộ lại xảy ra xích mích vì chuyện người nào đáng hưởng nhiều, người nào nên hưởng ít.
Đó chính là lý do ngay khi mới khởi sự, các nhà đồng sáng lập nên bàn bạc chi tiết và rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người trong nhóm. Tất nhiên, việc trao đổi này không thể chỉ là thỏa thuận bằng miệng mà cần có giấy tờ cụ thể.
Một số founder đã phải nhận bài học đắt giá vì nghĩ rằng những người đồng sáng lập với mình là anh em, bạn bè nên không cần đến văn bản hay hợp đồng.
Không có một công thức nhất định cho việc phân chia cổ phần/lợi nhuận giữa những người đồng sáng lập. Có start-up chọn cách chia đều cho các thành viên nhưng không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả. Như ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ trong trường hợp trên “Nếu chia đều thì ai cũng không thấy hài lòng” hay “Việc chia đều không có giá trị gì cả”
Theo ông Đinh Viết Hùng, CEO JoomlArt, các founder có thể chia cổ phần bằng cách xác định các yếu tố quan trọng đối với công ty và % của từng yếu tố đối với sự thành công chung của start-up. Sau đó, chấm điểm từng người đồng sáng lập theo các tiêu chí này, từ đây đưa ra quyết định về cổ phần hoặc lợi nhuận mà từng người được hưởng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]