Hầu hết mọi người đều có gấp 3 lần số lượng những đồ đạc mà mình cần. Chính điều này khiến cuộc sống của con người trở nên khốn khổ, theo tác giả 2 cuốn sách bán chạy nhất và “bậc thầy” về dọn dẹp Marie Kondo - một phụ nữ Nhật Bản 31 tuổi.
Trong bài phát biểu vào thứ 6 tuần trước tại New York, tác giả Kondo đã chia sẻ rằng: “Dọn dẹp ngăn nắp là hành động phản ánh tâm lý, cảm xúc của bạn. Những thứ xung quanh thường phản ánh nội tâm bên trong con người”.
Hiện tại Kondo đang thực hiện hành trình vòng quanh thế giới để giới thiệu sách. Các fan hâm mộ đã tới sự kiện này để xem Kondo gấp quần áo và sắp xếp ngăn nắp tủ quần áo.
Giải pháp dọn dẹp của Kondo dựa trên một nguyên tắc cơ bản: Chỉ giữ những thứ mang lại niềm vui cho bạn.
Quyển sách đầu tiên của Kondo có tên: The Life – Changing Magic of Tidying Up” đã bán được 5 triệu bản trên toàn thế giới và biến công thức dọn dẹp có tên KonMari thành thương hiệu được nhiều người biết đến.
Cô mới đây đã có mặt tại Mỹ để quảng bá cho cuốn sách thứ 2 có tên Spark Joy hiện đã bán được hơn nửa triệu bản.
“Tôi phát cuồng với việc dọn dẹp”, Kondo nói. "Việc này bắt đầu từ khi 5 tuổi và thậm chí luận văn tốt nghiệp đại học của tôi cũng nói về vấn đề này".
19 tuổi, Kondo thành lập một công ty tư vấn, tới nhà từng vị khách hàng và giúp họ dọn dẹp ngăn nắp mọi thứ. Công việc của Kondo khá bận rộn, thậm chí danh sách khách hàng chờ phục vụ kéo dài tới 6 tháng.
Sau đó, Kondo đã quyết định viết sách và bắt đầu đào tạo cho người khác về phương pháp KonMari.
Kondo không công bố khối tài sản của mình nhưng có một điều chắc chắn là cô hiện sở hữu nhiều triệu USD nhờ việc tư vấn và bán sách.
Phương pháp KonMari
Nguyên tắc đầu tiên trong phương pháp KonMari là phân loại theo danh mục chứ không phải vị trí. Rất nhiều người luôn cố gắng dọn dẹp cả một chiếc tủ hay toàn bộ căn phòng cùng một lúc.
Thay vào đó, Kondo cho rằng nên chọn riêng từng đồ vật nhất định, ví dụ như toàn bộ các quyển sách trong căn nhà, để chúng xuống sàn. Chỉ có như vậy, bạn mới thấy rõ được tất cả những gì mình đang có.
Bước thứ 2, bạn cầm từng thứ 1 lên và tự đặt câu hỏi: “Thứ này có còn gì thú vị không, liệu nó còn mang lại cho bạn niềm vui không?”. Bước này rất quan trọng và Kondo cho rằng mọi người nên trực tiếp cầm mỗi đồ vật trên tay. Cơ thể sẽ đưa ra những phản ứng vật lý và bạn sẽ biết mình còn cần nó nữa hay không.
Nếu làm đúng theo trình tự như vậy, khách hàng của Kondo thường loại bỏ đi được 2/3 đồ vật sau công cuộc dọn dẹp. Ngoài ra, Kondo cũng đưa ra thêm những gợi ý về cách gấp quần áo và những đồ vật khác trong nhà cho khách hàng.
“Tôi thích việc gấp quần áo. Đây là cơ hội tốt để trò chuyện với quần áo của bạn và cũng là lúc thích hợp để xem chúng có bị hư hỏng hay không”.
Vậy còn “dọn dẹp” tài chính thì sao?
Kondo cũng đã làm việc với nhiều khách hàng trên toàn thế giới bao gồm cả tại New York và San Francisco. Cô nói rằng người Mỹ không có nhiều đồ dùng lặt vặt nhưng đồ dùng của họ thường có kích thước lớn hơn.
Việc dọn dẹp nhà cửa cũng nên được áp dụng cho những lĩnh vực khác trong cuộc sống.
“Dọn dẹp nhà cửa hay những thứ xung quanh mình là cách tốt nhất để bạn rèn luyện kỹ năng phán đoán và đánh giá. Điều này sẽ giúp bạn trở nên thông minh hơn trong vấn đề tiền bạc”, Kondo nói.
Đa phần sau khi nhận ra và vứt bỏ những thứ không quan trọng, mọi người sẽ thông minh và sáng suốt hơn trong việc đưa ra quyết định mua sắm sau này. Và như vậy, theo Kondo thì: “Bạn có thể tiết kiệm được một chút tiền”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]