Kimi Takura từ bỏ công việc làm người giao hàng bận rộn của mình khi ông mới 22 tuổi, sau khi phải nhập viện một tháng vì bị kiệt sức. Thất nghiệp, ông bán chiếc xe Jaguar mà ông rất yêu thích, mua một chiếc xe buýt cũ và bắt đầu công việc lái xe đưa đón khách du lịch Đài Loan vòng quanh Nhật Bản.
Đều đặn mỗi ngày, Takura chở hành khách đi lại giữa Tokyo và Osaka, đến Kyoto và các điểm tham quan khác. Tin tốt đến khi một đại lý du lịch đề nghị cho ông vay tiền để mua thêm ba chiếc xe buýt. Sau đó lượng công việc kinh doanh còn tăng lên nhiều hơn nữa, và Takura nhận ra 3 chiếc vẫn là chưa đủ.
Ở đất nước nổi tiếng với những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Toyota hay Sony và người lao động có truyền thống gắn bó với công ty cả đời, Nhật Bản có khá ít người như Takura, sẵn sàng từ bỏ sự đảm bảo của một công việc làm thuê để làm một công việc có rủi ro cao hơn nhưng có khả năng sinh lời hơn, đó là kinh doanh. Chỉ 25% các công ty nhỏ ở Nhật Bản hiện chưa bước sang năm thứ 10, trong khi ở các quốc gia phát triển con số này là 50%.
"Tôi yêu thích lái xe," Takura - giám đốc điều hành của Heisei Enterprise Inc, người bỏ học cấp 3 sau khi công ty của bố phá sản và phải đi làm để kiếm tiền mua chiếc xe của riêng mình - nói.
Takura nhớ lại mình từng được dạy bảo rằng nếu định lái xe đi đâu đó, nên chở ít nhất một vài hành khách có trả tiền. "Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời," Takura nói trong một cuộc phỏng vấn tại Fujimi, phía tây bắc của Tokyo. "Tôi có thể vừa lái xe và vừa kiếm tiền cùng một lúc."
Công ty mà Takura lập ra từ năm 1992 hiện đang điều hành một hạm đội 400 xe buýt phục vụ tham quan, dịch vụ qua đêm trên khắp Nhật Bản và đưa đón học sinh đến trường hàng ngày. Heisei nhận được khoảng 60% yêu cầu từ các đơn đặt xe trực tuyến, so với tỷ lệ khoảng 30% của đối thủ cạnh tranh, theo Takura. Công ty đã có lãi trong suốt 20 năm liên tiếp và hiện có khoảng 800 nhân viên.
Lên sàn
Tuy nhiên, người đàn ông 51 tuổi vẫn chưa bằng lòng. Ông có kế hoạch niêm yết cổ phiếu Heisei trên thị trường chứng khoán Tokyo vào tháng 12 năm tới với mục tiêu huy động 10 tỷ yên (87 triệu USD) để đảm bảo công ty sẽ tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi ông nghỉ hưu.
"Thông thường, các công ty xe buýt không IPO," ông nói. Tuy nhiên, "chúng tôi được biết đến như một công ty xe buýt điện tử vì chúng tôi thu được rất nhiều tiền thông qua Internet."
Một phần lý do ở Nhật Bản có rất ít công ty khởi nghiệp là do nguồn vốn đầu tư mạo hiểm không có nhiều. Mức độ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản thấp hơn cả mức trung bình của các nước OECD và kém xa Hoa Kỳ và Canada, theo một báo cáo tháng 4 năm 2015 của OECD.
Một năm sau khi bắt đầu công việc kinh doanh đơn độc, Takura cần nguồn tài chính để mở rộng và việc gọi vốn rất khó khăn. Ông đã gặp may mắn: một chủ đại lý du lịch Đài Loan yêu cầu ông chạy nhiều tour du lịch, nhưng Takura nói ông không thể đủ khả năng để mua thêm xe buýt. Ông đã đi đến văn phòng của người đàn ông ở Đài Loan để thảo luận và được yêu cầu quay trở lại sau một vài ngày sau khi trở lại Nhật Bản.
"Người đàn ông đó đã đặt một túi giấy màu nâu đầy tiền trên bàn làm việc với 20 triệu yên trong đó và nói 'bây giờ anh có thể mua những chiếc xe buýt", Takura nói. "Tôi rất kinh ngạc."
Một phần thành công của Heisei đến từ việc nhắm vào khách du lịch ít tiền. Dịch vụ VIP Liner của công ty cung cấp các chuyến đi giữa Tokyo và Osaka, Tokyo và Kyoto, với giá từ 3000 yên một chiều – chưa bằng 1/4 giá vé tàu cao tốc giữa các thành phố.
Mặc dù ông sẵn sàng đi ngược lại xu hướng ở Nhật Bản, Takura vẫn bị ràng buộc bởi các giới hạn của xã hội. Việc thuê thêm lái xe trở nên khó khăn do dân số già và độ tuổi lao động giảm đi, ông nói. Độ tuổi trung bình của khoảng 130.000 tài xế xe buýt của Nhật Bản là khoảng 48 tuổi, so với mức trung bình là 42 tuổi cho tất cả các ngành công nghiệp trong nước, theo số liệu từ Hiệp hội xe buýt Nihon.
Đối mặt với tình trạng khó khăn này, 2 năm qua mỗi năm Takura đã tăng quỹ lương thêm 15%, lên đến 6 triệu yên để thu hút nhân viên mới. Nhưng "mọi người vẫn không đến," ông nói.
Đó cũng là lý do tại sao Heisei được phân nhánh ra để tìm kiếm lời từ sự bùng nổ du lịch kỷ lục của Nhật Bản. Công ty hiện sở hữu năm nhà khách từ Tokyo đến Osaka, và dự định sẽ mua nhiều hơn, Takura nói. Vị trí gần trạm xe buýt có nghĩa là hành khách có thể đi bộ đến khi kết thúc chuyến đi của họ.
Heisei cũng mua những căn nhà ở nhỏ gần nhà khách của mình để cho thuê với mức giá thấp hơn, lấy cảm hứng từ sự phổ biến của Airbnb.
Năm ngoái, hơn 24 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản, gấp ba lần con số của bốn năm trước đó. Chính phủ đặt mục tiêu 40 triệu trong năm 2020, năm của Thế vận hội mùa hè Tokyo.
Takura nói những người muốn trở thành doanh nhân nên đi theo niềm đam mê của mình, giống như ông đã làm khi ông mua chiếc xe Jaguar và sau đó bán đi để mua một chiếc xe buýt. Bây giờ ông lại có một chiếc xe hơi sang trọng - đó là một chiếc Mercedes Benz mà ông sử dụng trong công việc.
“Mỗi người nên tự tìm kiếm cái gì mình thực sự thích và làm nó”, ông nói. Tôi bây giờ là kẻ đam mê xe buýt. Người đam mê làm cái họ thích và không bao giờ cảm thấy đó là làm việc”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]