Nữ doanh nhân miền Tây Phạm Thị Việt Nga được ví như "bông hoa thép trên thương trường Việt Nam".
Bà Phạm Thị Việt Nga một trong 2 CEO Việt duy nhất từng lọt vào top 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất Châu Á năm 2013 của Forbes sinh năm 1951 tại tỉnh Hậu Giang.
Bà được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.
Kể từ khi gia nhập Dược Hậu Giang năm 1988, bà Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Dược Hậu Giang từ quy mô 1000 nhân sự tăng lên 3000, doanh thu tăng gấp 4 lần so với trước. Hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm.
Năm 2012, công ty đã đạt doanh thu 2.932 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu đạt được 26,9%/năm trong giai đoạn 2005-2012 (DHG giữ vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2013). Trong năm 2013, DHG đạt 782 tỷ đồng lãi sau thuế và trả cổ tức là 30% mệnh giá bằng tiền mặt.
Hiện Dược Hậu Giang đang sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.
Sau 10 năm giữ cương vị điều hành, lèo lái con thuyền Dược Hậu Giang, "nữ tướng" Phạm Thị Việt Nga đã lui về giữ chức vụ Tổng Giám đốc DHG thay cho bà Lê Minh Hồng, người đã nhận quyết định miễn nhiệm kể từ ngày 1/5/2014.
Người thay cho bà Phạm Thị Việt Nga là ông Hoàng Nguyên Học - cổ đông lớn nhất, nắm giữ trên 40% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị DHG (trong nhiệm kỳ 5 năm từ 2014 đến 2018).
Chia sẻ về quyết định này với báo giới, bà Nga cho rằng, bà là “người nhà nước” – nên công tác phải chịu sự phân công. Với tỷ lệ sở hữu trên 40%, SCIC đủ sức phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.
Hơn nữa, trăn trở của bà Nga gắn với Dược Hậu Giang là hướng đi của đứa con tinh thần này, chứ không phải là vị trí mà bà đảm nhiệm. Rất may, bà Nga cho biết, SCIC vẫn giữ nguyên hướng đi đã thống nhất từ trước đến nay của Dược Hậu Giang và không có mâu thuẫn nào đáng kể giữa Tổng giám đốc và tân Chủ tịch HĐQT.
Hiện tại bà Nga hầu như không phải trực tiếp xây dựng các chiến lược mà chỉ nghe báo cáo, phản biện, và đóng góp chính sách là chính. Đội ngũ lãnh đạo kế cận được bà dìu dắt, đào tạo hàng chục năm qua nay đã vững vàng để đưa DHG tiến ra biển lớn.
Công ty CP Dược Hậu Giang.
Tuy nhiên mới đây Dược Hậu Giang cũng đang gặp phải khó khăn khi phải quyết định dừng đầu tư 91 tỷ đồng xây nhà máy mới tại Myanmar.
Nguyên nhân được đưa ra là do sau thời gian thương lượng, đàm phán, thuê công ty tư vấn thẩm định tài chính, pháp luật, DHG nhận thấy có một số vấn đề chưa phù hợp nên đã quyết định dừng đầu tư.
Tuy nhiên, dù tuyên bố dừng dự án xây nhà máy tại Myanmar, Dược Hậu Giang cho biết vẫn sẽ tiếp tục khảo sát mở rộng phân phối và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này. Hiện Myanmar đang có dân số 60 triệu dân nhưng chỉ có 5 nhà máy sản xuất dược và 250 doanh nghiệp nhập khẩu - phân phối thuốc.
Được biết, năm 2014, DHG đang có 17 số visa sản phẩm được lưu hành tại thị trường này và dự kiến tăng thêm 5 số đăng ký vào năm 2015.
Cùng với quyết định dừng đầu tư nhà máy ở Myanmar, DHG cũng đã công bố kết quả kinh doanh trong 8 tháng đầu 2014. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất trong 8 tháng đàu năm đạt 2.315 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 8 tháng đạt 455 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 64,9% kế hoạch năm đề ra.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]