Giống như 10.000 lần trước đây, Aubrey McClendon thức dậy, bước ra khỏi giường và sẵn sàng để chốt lại một thương vụ.
McClendon, đồng sáng lập của tập đoàn năng lượng Chesapeake Energy, đã đi qua những thăng trầm của ngành năng lượng Mỹ nhiều hơn so với bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, ngày 1/3 vừa qua, một ý nghĩ khác lạ xuất hiện trong đầu ông. Buổi sáng hôm đó, ông gửi đi một email về một dự án nằm bên bờ sông ở quê nhà Oklahoma. Đây là dự án mà ông đã đặt cược quá nhiều trong thời gian quá lâu. Bức thư toát lên tâm trạng lạc quan và tràn đầy năng lượng.
24 giờ sau, Aubrey McClendon đột ngột qua đời.
Sáng 2/3, vài giờ sau khi bị buộc tội gian lận trong việc đấu thầu giành quyền khai thác dầu, McClendon đã leo lên chiếc xe Chevy Tahoe đời 2003, vội vã phóng đi và đâm vào thành cầu vượt.
Tin tức nhanh chóng lan truyền đi khắp thế giới. Từ Riyadh đến Caracas, bất kỳ ai trong ngành dầu khí đều biết đến McClendon, người đàn ông từng tuyên bố sẽ cho OPEC “xuống địa ngục”. Cuộc đời của ông gắn liền với sự bùng nổ và co cụm của ngành công nghiệp dầu đá phiến.
McClendon được coi là huyền thoại. Ông là người đã xây dựng Chesapeake thành đế chế 3,7 tỷ USD, là người đi tiên phong trong công nghệ khai thác dầu bằng thủy lực đã làm nền cuộc cách mạng của dầu đá phiến.
McClendon tốt nghiệp đại học Duke năm 1981 với tấm bằng cử nhân lịch sử kinh tế. Công việc đầu tiên của ông là kế toán viên. Sau khi đọc một bài báo trên tờ Wall Street Journal về hai doanh nhân bán cổ phần trong giếng dầu ở vùng Anadarko và thu về 100 triệu USD, McClendon tìm thấy niềm yêu thích đối với ngành năng lượng.
Năm 1982, ông từ bỏ việc đi làm thuê để theo đuổi ước mơ của riêng mình. Ông cùng Tom L. Ward có khoản đầu tư mạo hiểm đầu tiên vào ngành dầu khí khi mới chỉ 29 tuổi. McClendon là Chủ tịch kiêm CEO của Chesapeake, trong khi Ward là CFO. Công ty bắt đầu khoan 2 giếng dầu đầu tiên ở hạt Garvin, Oklahoma vào tang 5/1989.
McClendon tập trung vào việc khoan dầu ở những vỉa bất thường. Chesapeake là công ty đi đầu trong việc áp dụng công nghệ khoan thủy lực và cũng chính công nghệ này đã giúp họ tăng trưởng nhanh chóng.
Năm 1993, Chesapeake niêm yết cổ phiếu sàn sàn chứng khoán. 3 năm liên tiếp sau đó Chesapeake là cổ phiếu thành công nhất ở Mỹ, tăng tới 274% giá trị trong giai đoạn 1994-97.
Năm 2005, tạp chí Forbes gọi McClendon là một trong những CEO hàng đầu nước Mỹ. Những năm sau đó ông là CEO được trả lương cao nhất trong các công ty thuộc chỉ số S&P 500.
Tuy nhiên, sự bùng nổ mà McClendon tạo ra cũng gây nên thảm họa: giá dầu lao dốc mạnh khiến giá trị vốn hóa của Chesapeake giảm hơn một nửa. Các cổ đông đã “đá” ông ra khỏi công ty.
Sau khi rời Chesapeake, McClendon thành lập American Energy Partners và huy động được hơn 10 tỷ USD để giành quyền khai thác ở nhiều nơi, từ vùng núi Appalachian tới Australia và Argentina. Tuy nhiên, cơ nghiệp mới cũng không thể chịu được sức nặng của giá dầu.
Giống như bất kỳ ai hoạt động trong mảng dầu đá phiến, McClendon – người đàn ông cứng rắn, quyết liệt và gần như không bao giờ biết đến mệt mỏi - đã phải đau đầu trong nhiều tháng nay. Tuy nhiên, thế giới của ông đã bị phủ bóng đen trong những ngày gần vụ tai nạn. Ngày 26/2, một trong những bệ đỡ tài chính lớn nhất của ông là công ty vốn cổ phần tư nhân Energy & Minerals đã cắt đứt mối quan hệ với McClendon.
Chiều hôm đó, McClendon tới một nhà hàng mà ông thường xuyên lui tới để gặp đối tác. McClendon có mặt ở đây để gặp mặt người đồng nghiệp Kurt Fleischfresser nhằm thảo luận về kế hoạch cải tổ.
Cho đến buổi sáng trước khi bị tai nạn, ông vẫn gửi một loạt email đến đối tác và nhân viên để bàn về các dự án trong tương lai.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]