“Điểm khác biệt cơ bản giữa những người giàu có và những người còn lại là họ luôn biết cách kiểm soát tiền của mình, chứ không bao giờ cho phép tiền kiểm soát họ”. Đây là kết luận của chuyên gia kinh tế Jaime Tardy- tác giả cuốn Eventual Millionaire sau khi phỏng vấn 150 triệu phú về cách quản lý tiền bạc để họ trở nên giàu có như ngày hôm nay.
Nếu bạn không giỏi việc tính toán với những con số thì rất dễ mất kiểm soát tài chính, bao gồm các khoản đầu tư và sao kê tài khoản. Tuy nhiên những điều này hiếm khi xảy ra với giới giàu, những người sở hữu tài khoản “khủng” tại các ngân hàng. Tardy cho hay, “Nếu bạn không nắm rõ tình hình tài chính của mình thì tiền sẽ cứ thế tuột khỏi tay bạn”. Hậu quả là những khoản đầu tư không hợp lý, nợ nần và thậm chí là trắng tay khi về già. “Nhiều người cứ mặc định rằng nếu muốn hiểu rõ về tiền thì bạn phải là một chuyên gia đầu tư. Nhưng những người giàu không phải sinh ra đã được trang bị những bí kíp quản lý tiền. Đó là cả một quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm. Vì vậy, hãy mạnh dạn đối mặt với những vấn đề liên quan đến tiền. Nó sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn để tiến lên phía trước”, Jaime Tardy chia sẻ.
Nếu mới chập chững trên con đường làm giàu, thì việc đầu tiên cần làm là thu thập những thông tin cơ bản về tài khoản ngân hàng của mình, ví dụ như khoản thu, chi. Nhờ đó, bạn có thể xác định được tình hình tài chính của bản thân đang khởi sắc hay chỉ tồi tệ thêm. Một khi đã nắm rõ vấn đề của mình, bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn về những việc cần phải làm tiếp theo.
Mặt khác, nếu bạn không am hiểu nhiều về lĩnh vực đầu tư, việc nhờ đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tư vấn tài chính sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng kiến thức quan trọng. “Nhưng phải chắc chắn đó là những nguồn đáng tin cậy”, Tardy chia sẻ, “Tốt hơn hết là hãy học từ những người đã và đang ở vị trí mà bạn muốn tiến đến”.
Khi nghĩ về lối sống của những người giàu có, có lẽ bạn sẽ mường tượng ra đủ thứ xa hoa, hào nhoáng. Nhưng sự thật là cuộc sống của họ không như những gì bạn tưởng. Tardy cho biết, “Các triệu phú không phải lúc nào cũng chỉ biết mua sắm hàng hiệu hay những chiếc xe thời thượng. Họ quyết định những thứ sẽ mua dựa vào tình hình tài chính cũng như mục tiêu đặt ra. Hay nói một cách khác thì họ giàu là bởi họ biết cách giữ tiền chứ không phải là ‘đốt’ tiền”.
Lời khuyên cho bạn là “Hãy biến việc quản lý tiền thành một trò chơi bằng cách tự đem đến cho mình một thử thách thú vị mỗi tuần, để xem bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu tiền nhờ hạn chế mua những đồ tạp hóa và rau củ quả. Thậm chí, bạn có thể dành một tuần không đi chợ, tự chế những các món ăn mới từ đống đồ có sẵn trong tủ lạnh”.
Bí quyết để thành công là đưa ra một kế hoạch chi tiêu tiết kiệm có tính khả thi cao và thực hiện nó.
Khi kết hôn hay bố mẹ qua đời là lúc mà bạn chẳng còn tâm trí để ý đến tài khoản ngân hàng của mình. Nhưng nếu cứ tiếp tục trì hoãn việc chuẩn bị tài chính như ghi thêm tên bạn đời vào di chúc, hay gạch tên vợ/chồng ra khỏi tài khoản chung sau khi ly dị, chẳng mấy chốc bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn về tiền bạc.
Những người thành đạt luôn ý thức được rằng mọi thay đổi trong cuộc đời đều ảnh hưởng đến tình hình tài chính. Bởi vậy, bất cứ khi nào cuộc đời bạn chuyển sang một hướng mới, hãy dành thời gian xem xét các vấn đề tài chính để kịp thời thay đổi, thực hiện các điều chỉnh (nếu cần) cho phù hợp.
Nếu bỏ ra 100 USD cho một bữa ăn thịnh soạn tại nhà hàng ưa thích, ít ra bạn còn có được cảm giác hưởng thụ. Nhưng nếu bỏ ra 100 USD để nộp phạt vì thanh toán trễ hẹn rõ ràng là rất lãng phí.
David Bach, Phó chủ tịch tập đoàn Tư vấn tài chính Edelman, tác giả cuốn “Smart Women Finish Rich” (tạm dịch: Phụ nữ thông minh nhất định sẽ giàu có) cho biết, “Sự khác biệt giữa giới giàu và những người còn lại là họ luôn để mắt tới việc tiền của mình sẽ ‘đi đâu, về đâu’. Họ biết cách để tiền không bị tuột khỏi tay và rơi vào những chỗ không đáng. Bởi thế, hiếm khi họ thanh toán hóa đơn muộn hay dùng thẻ tín dụng lãi suất cao”.
Tuy nhiên, chúng ta đều là con người chứ không phải thánh thần, nên việc quên hẹn thanh toán hóa đơn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. David Bach khuyên bạn: “Hãy đăng ký dịch vụ thanh toán tự động cho các hóa đơn như bảo hiểm, sửa xe,… bởi biệc trả muộn có thể khiến bạn mất thêm một khoản tiền phạt đáng kể”.
Nếu bạn quyết định cắt giảm chi tiêu và bắt đầu từ việc bỏ thói quen nhâm nhi cà phê Starbucks mỗi sáng hay rút tất cả phích cắm các thiết bị điện trong nhà khi không dùng đến, hãy dừng ngay lại.
Các triệu phú ý thức rằng việc kiếm thêm thu nhập để đạt được mục tiêu tài chính đề ra hay hơn rất nhiều so với việc cắt giảm chi tiêu một cách thái quá như trên. Tardy nghiên cứu và chỉ ra rằng “Số tiền bạn tiết kiệm được là có hạn, còn số tiền bạn có thể kiếm ra thì không”.
Lời khuyên cho bạn là nếu đang trong cơn túng quẫn, hãy dành thời gian để nghĩ cách kiếm tiền chứ đừng tìm đủ mọi cách để cắt giảm chi tiêu như la cà các trang web để tìm xem ở đâu bán nước rửa bát rẻ nhất. Hãy bắt đầu bằng việc kiểm tra mức lương hiện tại. Nếu lâu rồi bạn chưa đề nghị tăng lương và cảm thấy mình đã đóng góp đủ nhiều cho công ty, hãy thu xếp ngay một cuộc hẹn với ông chủ để đề cập vấn đề này.
Một phương án khác nữa là phát hiện khả năng của mình và thể hiện nó trước những người đang thực sự cần, chẳng hạn như bạn có khả năng trợ giúp bạn bè mình trong một dự án nào đó. Sau đó, tất cả những gì cần làm chỉ là tính xem công sức bỏ ra nên được trả thù lao bao nhiêu cho hợp lý.
Nhiều người thường mua nhiều đôi giày 50 USD thay vì một đôi 200 USD nhưng đi được lâu hơn hẳn. Có người thà mang chiếc xe cà tàng đi sửa hết lần này đến lần khác hơn là đầu tư mua chiếc mới. Những người giàu không bao giờ làm thế. Bởi họ ý thức rằng những thứ quá rẻ thường đi kèm với chất lượng thấp. Họ biết nhìn xa trông rộng để so sánh số tiền bỏ ra khi mua một món đồ với giá trị thực của nó qua thời gian.
Lời khuyên đầu tiên cho bạn là hãy tập thay đổi lối suy nghĩ từ “mua hàng giá rẻ nhất” sang “mua hàng chất lượng nhất”. Hai là, hãy để ý đến khoảng thời gian hợp lý trong các giao dịch, đặc biệt là khi mua hàng trả góp để không phải “méo mặt” khi phát hiện ra số tiền mình bỏ ra thực sự quá lớn.
Ví dụ, bạn có hai lựa chọn mua trả góp chiếc xe hơi trong 3 năm không mất lãi suất hoặc trong 5 - 7 năm và chịu lãi suất cao. Nếu chọn phương án thứ hai, thời gian trả góp càng dài thì số tiền thanh toán hàng tháng càng ít nhưng tổng số tiền cần thanh toán sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]