1. David Dương – Ông vua rác
Ông vua rác - David Dương. (Nguồn Internet)
David Dương là một trong những doanh nhân Việt khởi nghiệp từ việc tái chế rác thải. Sinh năm 1958, ông sang Mỹ từ khi 18 tuổi. Sau hơn 30 năm đi từ người nhặt rác lên vị trí làm chủ DN xử lý rác thải lớn, xếp hạng thứ 30/100 ở Mỹ, khối tài sản tích tụ từ sức lao động của ông và những người đồng hành không chỉ lớn về con số hàng trăm triệu USD. Thời gian đầu đến Mỹ, khi gia đình khởi nghiệp bằng nghề nhặt rác, David Dương hàng ngày sau khi tan học đều dành thời gian từ 6 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng ngày hôm sau để đi thu gom rác ở các khu trung tâm, nơi có nhà cao tầng mang về bán.
Vào ngày 30/7 /2014, công ty CWS của ông đã làm nên lịch sử trong ngành xử lý rác tại Mỹ, khi chiến thắng trong cuộc đua với đối thủ trong ngành lớn nhất nước Mỹ và thuộc diện lớn nhất thế giới là Waste Management, buộc công ty này phải chuyển giao phần việc đang làm, những nhân lực hiện có và khách hàng đang phục vụ cho DN của người Việt.
Hiện tại, ngoài 3 nhà máy đã đầu tư với chi phí khoảng 250 triệu USD, David Dương tiếp tục đầu tư 3 nhà máy mới với tổng vốn khoảng 360 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2015. Sản phẩm tái chế được công ty xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Trở về Việt Nam, David Dương ôm ấp một hoài bão lớn đó là xử lý dứt điểm vấn đề rác thải đang trở nên ngày càng bức xúc, với chất lượng công việc đòi hỏi ở mức cao. Như tham vọng dự án 700 triệu USD để xử lý rác thải tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, David Dương cho là ý tưởng thú vị mặc dù con nhiều thách thức.
2. Khởi nghiệp từ rác mít – Nguyễn Thị Thanh Loan và chồng Nguyễn Quang Quỳnh
Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Loan với ý tưởng tái chế rác mít để làm thức ăn gia súc. (Nguồn Internet)
Xuất phát từ việc thu mua mít múi của những công ty tại các huyện Eakar, Krong Pak và Krong Buk,… của Đắk Lắk, dẫn đến hiện tượng các sản phẩm thừa như vỏ, xơ mít, hột mít bị coi là rác và được đổ thành đống lớn ở ven những con đường lớn nhỏ, ven bờ suối, nhiều nhất là vào mùa thu hoạch, từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Số rác này không được xử lý nên khi phân hủy, gây ra mùi rất khó chịu, hòa vào nguồn nước tự nhiên gây ô nhiễm, ruồi bọ có điều kiện phát triển… làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân.
Do vậy, Thanh Loan đã bàn với chồng về việc tận dụng nguồn nguyên liệu rác mít để làm thức ăn gia súc. Trải qua những khó khăn, vất vả, hiện tại Công ty Minh Phát đã từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường với các sản phẩm chất lượng. Từ năm 2010 đến 2012, Minh Phát đã mua 3.000 tấn hạt mít, xử lý 10.000 tấn rác mít (khoảng 3,3kg hạt mít tươi phơi thành một ký hạt mít khô có giá trung bình là 2.500đ/kg). Thành công của Minh Phát là đưa vào danh mục nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc mặt hàng bột hạt mít và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động địa phương cũng như các nhà thầu phụ về bao bì, vận tải…
Ngoài việc tái chế rác thải, Công ty Minh Phát còn lên kế hoạch thực hiện việc giáo dục cho cộng đồng dân cư xung quanh bảo vệ môi trường.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]