Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa công bố báo cáo nhận định ngày trong đó có đề cập về việc NHNN ban hành Thông tư 09 quy định về hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và thay thế Quyết định 59/2006/QD-NHNN ban hành ngày 21/1/2006.
Hết cửa mua bán nợ lòng vòng
Cụ thể, Thông tư quy định trước khi tiến hành bán, tất cả các khoản nợ xấu phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ và các tài liệu pháp lý liên quan;
Một tổ chức tín dụng muốn mua nợ xấu phải được NHNN chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt);
Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ (của tổ chức tín dụng khác) khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;
Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó (trừ trường hợp theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt);
Các tổ chức tín dụng không được phép mua lại nợ đã bán; Các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Trong đó, quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ;
Bên bán nợ và các bên mua nợ thỏa thuận với nhau về chi tiết giao dịch trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ;
Các khoản nợ sau khi được mua bán phải được theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo về cho NHNN theo quy định.
Bước tiến vượt trội
HSC cho rằng mục đích chính của thông tư này là quy định và kiểm soát hoạt động mua/bán lại nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Thông tư xác định đối tượng được phép bán nợ và sau đó là đối tượng có thể mua nợ. Theo đó tránh những lạm dụng có thể trên thị trường này.
Theo HSC, trên thực tế VAMC đang hướng đến mua nợ xấu theo giá thị trường và sau đó cũng bắt đầu quá trình thu hồi nợ một cách sốt sắng, điều này đòi hỏi phải tìm được người mua nợ xấu với số lượng lớn. Và trong khi nhà đầu tư nước ngoài có khả năng tham gia quá trình này, phần lớn người mua nợ nhiều khả năng vẫn là các tổ chức trong nước. Do vậy cần có quy định pháp lý rõ ràng.
“Tóm lại, sẽ không có nhiều hoạt động mua bán nợ cho đến khi quá trình dự phòng và xử lý nợ đạt mức mà tại đó giá trị nợ xấu xử lý gần như tương đương giá thị trường bình quân của số nợ đó”, báo cáo nhận định.
HSC cho biết thêm đây là bước tiến vượt trội. Vì vậy trong khi một thị trường như vậy có thể hình thành (hoặc ít nhất là bắt đầu phát triển) từ năm tới, sẽ mất một hoặc hai năm trước khi hoạt động này có đóng góp quan trọng vào xử lý nợ xấu nói chung.
Dù vậy, đây là một phần trong chiến lược hiện tại cho phép các ngân hàng và VAMC thoát khỏi nợ xấu khi mà các tổ chức này đã tiến hành dự phòng nợ xấu đầy đủ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]