BIDV, Vietinbank và Vietcombank – 3 ông lớn NH đều có kế hoạch lập CTTC để cho vay tiêu dùng, phát triển mảng bán lẻ trong năm 2015.
“Ông lớn” vào cuộc đua
Phương án được BIDV đưa ra khá rộng đường lựa chọn: Mua lại CTTC trên thị trường; chuyển Cty Cho thuê tài chính BIDV sang CTTC hoặc thành lập CTTC tiêu dùng BIDV.
Vietinbank, với các Cty con là bảo hiểm, cho thuê Tài chính, chuyển tiền, quản lí quỹ, chứng khoán, quản lí nợ và khai thác tài sản – có thể nói chỉ còn thiếu mỗi CTTC tiêu dùng. Do đó không ngạc nhiên khi Vietinbank cũng nhảy vào cuộc đua lập CTTC, với nền tảng từ vụ sáp nhập PGBank và chuyển PGBank thành CTTC PG Finance.
Vietcombank thực tế đã có CTTC Việt Nam – Hồng Kong. Song đây không phải là Cty khai thác thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Nên cũng khó có chuyện Vietcombank đứng ngoài cuộc đua cạnh tranh thị phần bán lẻ tiêu dùng khi các NH lớn khác đều vào cuộc.
Sự đổ bộ của các ông lớn đứng đầu thị trường tín dụng với các đề án lập CTTC tiêu dùng, thị trường cho vay và các dịch vụ sản phẩm bán lẻ được dự đoán sẽ tăng nhiệt trong thời gian tới.
“Võ” của nhà băng nhỏ
Nếu như các ông lớn NHTM quốc doanh tới năm 2015 mới định hướng sẽ phát triển mạnh mảng bán lẻ tiêu dùng và theo đó chính thức “đe dọa” thị phần cho vay tiêu dùng của các nhà băng nhỏ, thì tất nhiên các TCTD nhỏ cũng phải có “võ” của riêng mình.
Có thể điểm qua “võ” của một số các NH đã sớm có nền tảng CTTC hoặc chuẩn bị và hoàn tất “hạ tầng” cho vay tiêu dùng trước 2015. Điển hình như HDBank mua lại CTTC Việt (SVGF) và đổi tên thành HD Finance; Maritime Bank thừa hưởng nền tảng phát triển tài chính tiêu dùng từ NH vừa nhập sáp nhập MDB (do từng bắt tay với cổ đông chiến lược là Cty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH); VPBank mua lại Cty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF), Techcombank mua Tài chính Hóa chất và SHB được biết đang lên kế hoạch dự tính mua lại CTTC Vinaconex – Viettel.
Trong số các Cty đã thực hiện M&A các CTTC, HDBank dường như đang có đặc thù và lợi thế hơn cả, do SVGF là một Cty 100% vốn của Société Générale, thuộc một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất Châu Âu và đã đầu tư ở thị trường VN từ 2007, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, cho vay trả góp với hơn 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy trên cả nước. Thực tế HDBank sau khi mua SVGF cũng không dừng lại với mạng lưới đã có. Nhà băng này đã mở cửa tìm đối tác và mới đây, bắt tay với tỷ lệ 50:49 cùng Credit Saison, một tập đoàn hàng đầu về phát triển thẻ tiêu dùng ở Nhật. Có thể thấy định hướng bán lẻ tiêu dùng của HD Credit Saison, CTTC mới đổi tên của HDBank đã khá rõ ràng và thậm chí có thể không “đụng hàng” với nhiều CTTC đang hoạt động trên thị trường.
Bản thân các nhà băng mua lại CTTC có vốn Nhà nước cũng đã rất nhanh thực thi “tái cấu trúc” theo hình thức “vừa chạy vừa xếp hàng”: Vừa thực thi sáp nhập, tăng quy mô và nguồn lực, vừa thi triển mua lại CTTC, như Maritime Bank đã sẵn sàng cho cuộc đua một cách “chính danh” khi mua lại CTTC Dệt may. Hay VPBank đã rất sớm song song phát triển các trung tâm tư vấn DNNVV để phát triển bán lẻ cho DN, kết hợp đồng thời với mạng lưới CTTC để thúc đẩy bán lẻ tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Ai cầm dao đằng chuôi?
Các NH đua cứ đua, nhưng không phải cứ đua lập kế hoạch, trình cổ đông là xong chuyện. |
Các TCTD đứng đầu NHTM CP nhưng chưa có CTTC, năm 2015 cũng xúc tiến việc thành lập CTTC. ACB trình cổ đông lập CTTC Tiêu dùng ACB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Sacombank cũng đệ trình kế hoạch lập CTTC và Cty Bảo hiểm. Đây là 2 tổ chức có hệ thống/ mạng lưới và thị phần lớn trong nhóm các NHTM CP nói chung. Không ít chuyên gia nhận định sự vào cuộc của ACB và Sacombank, với tư thế hai NH được tầng lớp bình dân (tiểu thương, người tiêu dùng khu vực miền Nam gắn bó), sẽ khiến cuộc đua cho vay tài chính tiêu dùng thêm “hầm hập”.
Một điều cần lưu ý rằng mặc dù NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC, trong đó quy định: 1, NHTM thực hiện cho vay tiêu dùng được thành lập CTTC (Khoản 2, Điều 1); 2, Các hình thức cho vay tiêu dùng bao gồm: Cho vay trả góp, Cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng (Khoản 1, Điều 1); Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, NHTM không được kí thêm hợp đồng tín dụng tiêu dùng (Khoản 3, Điều 23) và đồng thời, hiện NHNN cũng đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD với quy định: Thông tư này không điều chỉnh đối với hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng (Mục c, Khoản 2, Điều 1) – như một nội dung “bật đèn xanh” khởi động cuộc đua NH dồn dập lập CTTC để cho vay tiêu dùng, song việc các TCTD có nguyện vọng và kế hoạch đăng kí thành lập CTTC, theo Luật tín dụng lại vẫn phải xin giấy phép, được cấp phép từ phía NHNN.
Nói cách khác, cho dù mọi kế hoạch của các TCTD đang đi đúng hướng mà Dự thảo quy định của NHNN vạch ra, thì NHNN mới là người cầm trịch quyết định tổ chức nào sẽ được có thêm CTTC. Các NH đua cứ đua, nhưng không phải cứ đua lập kế hoạch, trình cổ đông là xong chuyện.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]