Việc ngân hàng mua lại công ty tài chính Nhà nước không chỉ phản ánh một mảng trong bức tranh tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tập đoàn và tổng công ty Nhà nước theo nhiệm vụ Chính phủ đề ra.
Trước đó, vào năm 2013, giữa rất nhiều vụ sáp nhập ngân hàng thì vụ hợp nhất đầu tiên giữa một NHTM và một công ty tài chính là PVFC và Western Bank để tạo thành một PVcom Bank như hiện nay cũng khiến nhiều người nhớ tới. Liệu đây có phải là những phát súng đầu tiên báo hiệu một xu hướng kết hợp giữa các công ty tài chính thuộc tập đoàn Nhà nước với các ngân hàng thương mại?
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chánh Thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Việt Nam cho rằng: “Mô hình của công ty tài chính tổng hợp đã bộc lộ năng lực cạnh tranh thấp, đặc biệt trong lĩnh vực huy động và phát triển sản phẩm. Vì vậy, việc các công ty này bán lại cho các ngân hàng để trở thành công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng là hướng đi hợp lý, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”.
Nhìn lại cách đây 6-7 năm khi thị trường chứng khoán ở giai đoạn bùng nổ, các tập đoàn Nhà nước từ điện lực Vinaconex, viễn thông, xi măng... đều mở riêng cho mình các công ty tài chính nhưng dường như, chúng mới chỉ đóng vai trò chính là “sân sau” của các tập đoàn.
Ông Trương Thanh Đức, chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng cho biết: “Việc thành lập công ty tài chính từ lúc ra đời đã không tuân theo những quy luật, ý tưởng thị trường, mà ra đời phục vụ cho các tổng công ty, tập đoàn có tính chất nội bộ. Trong khi đó, yêu cầu của lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng đòi hỏi sự minh bạch, tỷ lệ an toàn cao, giới hạn rủi ro thì việc phục vụ nội bộ như vậy không đạt được mục tiêu”.
Đến giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hiện nay, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính là một bước đi mà nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải lựa chọn. Tập đoàn Dệt may cũng đang trong lộ trình thoái vốn khỏi công ty tài chính dệt may. Vụ bán lại công ty này cho ngân hàng Maritime Bank cũng đã được NHNN chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên đại diện tập đoàn cho biết, việc thoái vốn khỏi các công ty tài chính là một quá trình không dễ dàng, có nhanh được hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của các công ty tài chính.
Trong khi đó, theo đại diện NHNN, việc chậm trễ thoái vốn khỏi các công ty con trong đó có công ty tài chính không nằm ngoài trách nhiệm của các tập đoàn.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chánh Thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng cho biết: “Việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc xây dựng phương án cơ cấu lại của các công ty tài chính là điều kiện quan trọng để góp phần thực hiện nhanh chóng và thành công việc cơ cấu lại công ty tài chính”.
Trên thị trường hiện có 11 công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn tổng công ty Nhà nước nhưng đến nay mới chỉ có 3 công ty có những thông tin ban đầu về chuyện cơ cấu lại và sáp nhập. Với những thương vụ đã và đang thực hiện, có thể thấy xu hướng thoái vốn, bán lại cho các ngân hàng thương mại đang là một hướng đi ưu tiên.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]