Từ ngày 4/1/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cơ chế mới đối với tỷ giá. Cụ thể, thay vì tỷ giá bình quân liên ngân hàng sử dụng lâu nay, thị trường sẽ có tỷ giá trung tâm do NHNN công bố hàng ngày, bên cạnh việc các NHTM có thể mua phái sinh USD từ NHNN.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, cơ chế tỷ giá mới này sẽ khiến cho tỷ giá biến động liên tục và khó lường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch kinh doanh, đồng thời sẽ có những tác động nhất định lên nền kinh tế. Còn với các ngân hàng thương mại, cơ chế mới sẽ mang đến cho họ nhiều lợi ích hơn hẳn so với doanh nghiệp.
Xoay quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế tài chính, TS. Phan Minh Ngọc.
PV: Thưa ông, nhiều người lo ngại cơ chế tỷ giá mới có thể tác động tới lạm phát, hoạt động xuất nhập khẩu, ngân sách và cả luồng vốn đầu tư nước ngoài (theo hướng không có lợi). Ông nhận định thế nào về những quan ngại đó?
TS. Phan Minh Ngọc: Trước hết về tác động lên lạm phát, tôi cho rằng cơ chế tỷ giá mới không có liên quan hay tác động trực tiếp.
Một yếu tố có thể gây ra lạm phát là tỷ giá chứ không phải là cơ chế (xác định) tỷ giá. Ví dụ, khi phá giá VND 5%, giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng VND có thể tăng lên, tuy không nhất thiết sẽ là đúng 5% (với điều kiện là các yếu tố khác không thay đổi), từ đó làm tăng áp lực lạm phát. Nếu cơ chế tỷ giá mới không dẫn đến, không làm cho VND bị phá giá đáng kể (chẳng hạn chỉ là 0,5% trong suốt cả 1 quý) thì cơ chế mới không phải là nguyên nhân, không phải là mối bận tâm với lạm phát.
Tương tự như vậy là về các tác động lên xuất nhập khẩu, ngân sách và đầu tư nước ngoài. Nếu cơ chế tỷ giá mới không làm tỷ giá VND thay đổi đáng kể trong một thời gian nhất định nào đó thì xuất nhập khẩu, đầu tư, thu ngân sách về cơ bản là không bị ảnh hưởng nhiều hơn (giả thiết các điều kiện khác không thay đổi).
Cần lưu ý rằng trong cơ chế tỷ giá mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nắm cương điều chỉnh khi trong 3 cấu phần tạo nên tỷ giá trung tâm có 1 cấu phần là “… theo mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN”.
Có nghĩa là dù có cơ chế tỷ giá mới thì cũng không nhất thiết là tỷ giá sẽ biến động quá nhanh, mạnh trong một thời gian nào đó để gây ra những tác động đáng kể lên các biến số vĩ mô này.
Với cơ chế nào cũng sẽ có nhóm được lợi nhiều, lợi ít và cả rủi ro. Vậy cơ chế tỷ giá mới từ đầu năm 2016, theo ông sẽ có lợi cho nhóm nào?
Tất cả tùy thuộc vào chiều hướng và tần suất biến động của tỷ giá. Ví dụ, nếu tỷ giá có xu hướng tăng lên (VND bị mất giá) và sự tăng lên này diễn ra nhanh thì nhóm nào nắm giữ USD sẽ được lợi. Nói cách khác, nhóm nào đi vay USD, đổi ra VND để gửi vào ngân hàng hưởng lãi cao thì sẽ bị thiệt vì khi chuyển đổi lại số VND này ra USD để trả nợ sẽ thu được ít USD hơn so với khi tỷ giá ít biến động như trước đây.
Tương tự, nếu cơ chế tỷ giá mới có mục tiêu là tăng tỷ giá danh nghĩa hơn nữa để cho VND bớt lên giá thực so với các ngoại tệ chủ chốt để thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu, từ đó giảm nhập siêu và bảo vệ quỹ dự trữ ngoại hối thì nhóm được hưởng lợi đương nhiên là các nhà xuất khẩu, còn nhóm bị thiệt hại là các nhà nhập khẩu.
Cũng cần lưu ý lại là cho dù được cho là cơ chế tỷ giá mới nhưng tỷ giá trong cơ chế này không nhất thiết sẽ biến động nhanh và mạnh (hơn) so với cơ chế tỷ giá cũ. NHNN vẫn có thể giữ bất động tỷ giá trung tâm (như thực tế ngày 6/1) nên rốt cuộc chuyện thiệt hay lợi đặt ra ở đây là không thích hợp.
Trong cơ chế mới, NHNN cho phép các NHTM được giao dịch phái sinh USD và một điểm đáng lưu ý là các NHTM sẽ được hủy ngang. Vậy theo ông điều này sẽ có ý nghĩa thế nào với các ngân hàng?
Trước đây, các NHTM chỉ được mua giao ngay ngoại tệ từ NHNN. Mua giao ngay thì rõ ràng là phải “tiền trao cháo múc”, mua xong rồi thì không thể đổi ý định khi tỷ giá thực tế diễn biến ngoài ý muốn.
Chẳng hạn, khi nhận định rằng tỷ giá sẽ tăng thêm 2% trong 1 tháng nữa, các ngân hàng thương mại tiến hành mua USD từ NHNN để chờ giá lên. Nhưng tỷ giá trên thị trường sau 1 tuần đột ngột hạ đi. Dẫu vậy, các ngân hàng không thể sửa sai bằng việc mua gom ngoại tệ trên thị trường với tỷ giá thấp hơn giá mua từ NHNN để đợi tỷ giá lên lại và cao hơn trong 3 tuần sau.
Nay, khi được giao dịch phái sinh với NHNN và được hủy ngang thì trong trường hợp trên, ngân hàng thương mại có thể hủy ngang giao dịch phái sinh này với NHNN (không mua từ NHNN nữa) mà chuyển sang mua gom từ thị trường với giá thấp hơn giá mà NHNN bán.
Ngược lại, nếu tỷ giá trên thị trường chỉ có tăng lên kể từ thời điểm ngân hàng thương mại ký hợp đồng phái sinh với NHNN, và tăng ở mức lớn hơn mức phí hợp đồng phái sinh mà NHNN đặt ra, thì rõ ràng là ngân hàng thương mại được lợi ở chỗ là được bảo đảm tiếp cận một nguồn cung ngoại tệ với giá ấn định từ trước và thấp hơn giá thị trường (kể cả tính thêm phí hợp đồng), tạo cơ hội kiếm lời trong hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại.
Có công bằng và hợp lý hay không khi NHTM mua USD phái sinh được hủy ngang còn DN mua của NHTM thì không được (theo thông tư số 15 có hiệu lực từ ngày 5/10/2015)?
Điều này đương nhiên là không công bằng, nhưng là điều hợp lý!
Đơn giản là vì chỉ có các ngân hàng thương mại chứ không phải là các doanh nghiệp mới được trực tiếp giao dịch với NHNN. Do đó, dù có muốn phòng tránh rủi ro tỷ giá hay muốn đầu cơ ngoại tệ thì các doanh nghiệp hay cá nhân chỉ còn cách là giao dịch với ngân hàng thương mại, chứ không phải là NHNN.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]