Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chính thức IPO vào ngày 21/7 tới tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Thông tin trên được ông Trần Việt, Trưởng Ban thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra tại buổi họp thông báo kết quả 6 tháng đầu năm do Vinatex tổ chức chiều 16/6, tại Hà Nội.
Ông Việt cho biết, theo Quyết định 646/QĐ-TTg ngày 6/5 của Thủ tướng Chính Phủ, Vinatex sẽ tiến hành cổ phần hóa với phương thức vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, trong tổng số vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, nhà nước sẽ nắm giữ 255 triệu đơn vị, tương đương 2.550 tỷ đồng, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.000.850 cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 120.000.000 cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 121.999.150 cổ phần, chiếm 24,4% vốn điều lệ.
Trong tiến trình thực hiện cổ phần hóa, theo ông Việt, về cơ bản Vinatex sẽ chọn các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh, sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn, phát huy các giá trị truyền thống của Vinatex.
"Vinatex sẽ xây dựng các tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược báo cáo Bộ Công Thương. Ngày 23/6 sẽ công bố thông tin trước đấu giá và ngày 22/7 sẽ chính thức IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh," ông Việt cho hay.
Làm rõ hơn về việc cổ phần hóa, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may cho biết, đến thời điểm này việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được tập đoàn trình, tuy nhiên theo quy định thì Bộ Công Thương sẽ phê duyệt, do vậy, thông tin về nhà đầu tư chiến lược sẽ được công bố vào ngày 2/7 tới.
"Theo quy định, sẽ có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, mỗi nhà đầu tư này đều phải có đề án về công nghệ, tài chính... với ngành dệt may," ông Trường cho hay.
Năm 2014 là năm hết sức quan trọng trong công tác đầu tư chuẩn bị cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), do khối 12 nước thành viên TPP chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, với trên 12 tỷ USD.
Trong khi đó, các thỏa thuận, cho đến lúc này, đều cho thấy khả năng áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi sẽ rất cao. Đây là động lực để ngành dệt may tăng tốc đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu.
Lãnh đạo Vinatex cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may.
Nhờ đẩy mạnh công tác đầu tư nguyên phụ liệu nên đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đã nâng lên mức 60%, hiện tập đoàn cũng sớm thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết cung ứng sợt-dệt-nhuộm-may giữa các doanh nghiệp thành viên tập đoàn.
Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ông Lê Tiến Trường cho biết, tính đến cuối tháng 5/2014, Vinatex đã đạt mức 85%, số còn lại 15% tiếp tục thoái và tập đoàn sẽ ưu tiên thoái vốn khỏi khối tài chính, ngân hàng trước, sau đó đến những công ty ngoài ngành nhưng có tỷ lệ chia cổ tức tốt.
"Tổng lượng thoái vốn ngoài ngành còn lại của Vinatex là 15% tương ứng mức 100 tỷ đồng, tập đoàn sẽ cố gắng hoàn thành việc thoái vốn này vào tháng 9-10/2015," ông Trường cho hay.
Về tình hình sản xuất-kinh doanh, 6 tháng đầu năm doanh thu của Tập đoàn đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2013.
Kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 630 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 581 triệu USD. Doanh thu nội địa ước đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]