Hoạt động giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Viễn cảnh phát triển nhanh hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới và khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn là hai động lực chính thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ thêm tiền mua chứng khoán.
Số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết đến phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 8/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn tăng 323,35 điểm, tương đương với 1,84%, lên 17.907,87 điểm.
Chỉ số Standard & Poor 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng lần lượt tăng giá 1,79% và 1,84%.
Như vậy, riêng trong hai ngày qua, chỉ số Standard & Poor 500 đã lập kỷ lục mới, tăng giá tổng cộng 3,0%, bù đắp phần lớn mức mất giá 4,2% trong năm ngày giao dịch đầu tiên của năm mới.
Cổ phiếu của các công ty năng lượng và công nghệ tăng 2% trong ngày là nguyên nhân chính đẩy giá của nhóm chỉ số Standard & Poor 500 lên cao.
Các chỉ số chứng khoán lớn của châu Âu trong ngày 8/1 cũng tăng giá khá mạnh, trong đó chỉ số DAX của Đức tăng 3,36%, CAC 40 của Pháp tăng 3,59%, FTSEEuroFirst 300 tăng 2,9% và FTSE 100 tăng 2,4%.
Ông Michael O’Rourke, chiến lược gia của công ty JonesTrading, cho biết thông báo của Bộ Lao động Mỹ về số việc làm mới được tạo ra trong tháng cuối cùng của năm ngoái đạt khoảng 240.000, điều này đã phản ánh viễn cảnh phát triển khả quan hơn của nền kinh tế Mỹ.
Hơn nữa, các nhà đầu tư cũng được phấn khích bởi phát biểu ngày 8/1 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi nói rằng thể chế tài chính này sẵn sàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ toàn diện để giữ ổn định thị trường tài chính châu Âu./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]